Hoạt động cầm chừng, thậm chí đóng cửa đang là thực trạng của nhiều văn phòng nhà đất khi thị trường bất động sản Hà Nội liên tục có những dấu hiệu rớt thê thảm.
Có mặt tại dãy ki-ốt các văn phòng bất động sản ở Thiên Đường Bảo Sơn vào một buổi chiều, chúng tôi đã chứng kiến được không khí vắng vẻ nơi đây. Một dãy các ki-ốt văn phòng bất động sản mọc lên như nấm giờ đây chỉ còn lác đác vài ki-ốt mở cửa. Một số ki-ốt đã đóng cửa im lìm, bụi bám đầy cửa, còn cái ki-ốt đang mở cũng chỉ vài nhân viên ngồi “ngáp ngắn ngáp” dài chờ khách tới.
Hiện, chỉ còn chưa đến chục văn phòng nhà đất tại Thiên đường Bảo Sơn còn mở cửa. Bên ngoài thì vắng vẻ, bên trong nhân viên thưa thớt. Theo một nhân viên văn phòng bất động sản Hà Nội Mới, một tuần trở lại đây chỉ có vài khách đến hỏi thăm, nhưng chủ yếu để tìm hiểu thông tin, không có giao dịch nào.
Là một trong những văn phòng nhà đất hoạt động lâu năm và có kinh nghiệm cũng như tiềm lực về tài chính, chủ một văn phòng cũng phải đóng cửa vì tình trạng “chợ chiều” tại khu vực này. Ông cho biết, nhân viên cho nghỉ dài ngày, còn văn phòng đóng cửa để giảm chi phí. “Đây cũng là thời kỳ làm ăn khó khăn nhất”, chủ văn phòng này chia sẻ.
Vừa rót nước vừa thở dài, chị Nguyễn Thị An, một người bán nước tại vỉa hè cổng Thiên Đường Bảo Sơn cho chúng tôi biết, trước đây mỗi ngày chị cũng phải bán được vài trăm tiền trà đá, khách đến đây xem đất và giao dịch đông như trẩy hội. Trà đá, thuốc và nước giải khát chị bán liên tục. Giờ ngày nào gần trưa chị mới mở hàng, hàng quán ế ẩm chủ yếu bán cho công nhân xây dựng và thanh niên trong làng.
Chị An chia sẻ: “Tôi không biết giá đất xuống thế nào, chỉ thấy mấy cậu trong các ki-ốt uống nước ở đây lúc nào cũng lắc đầu. Hỏi ra, mới biết giá đất đang giảm thì phải. Mà ở đây giá đất cũng lên tới vài trăm triệu đồng một mét vuông, mỗi lô cũng đến trăm mét nên giá trị một mảnh hàng trăm tỷ đồng. Số tiền này, so với thu nhập của cả nhà tôi không biết đến bao giờ mua được. Đúng là dân mình giàu thật.”
Chị An cũng chúng tôi biết thêm, đất tăng khách đi xem lườm lượt, không chỉ vậy họ vui cười phấn khởi, và cũng xởi lởi chẳng tiếc vài đồng trả lại. “Tình hình lúc này không biết đến bao giờ mới bán chạy”, chị An lắc đầu.
Cũng bán nước nhưng trong một ki-ốt, chị Hoa (quê Giao Thủy, Nam Định) đang trong tình trạng khóc dở mếu dở. Vợ chồng ở quê, được ông cậu cho ở nhờ trong làng, chị Hoa thuê ki-ốt mở cửa hàng nước, còn chồng đi lái xe ôm tại đây.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Hoa kể: “Tôi thuê ki-ốt này 4 triệu đồng một tháng. Nghe ông cậu bảo chỗ này bán nước cũng được nên đến thuê mở cửa hàng. Ai ngờ mới mở được vài tháng nhưng tình hình ế ẩm quá. Khách đến Thiên đường Bảo Sơn không ai uống nước ở đây, chủ yếu là khách đi xem đất hay công nhân quanh đây. Nhưng giờ khách thì vắng vẻ quá!”.
Theo chị Hoa, bà mợ của chị cũng buôn đất nhưng dạo này kêu ầm lên vì khó bán. Về nhà cậu mợ lúc nào cũng lục đục vì chuyện đất cát. Vợ chồng chị cùng đứa con gái ba tuổi ở nhà cũng thấy ái ngại.
“Các anh xem kia kìa, người ta đang dọn biển hiệu đóng cửa văn phòng vì đất cát có bán được đâu, họ bán đất lắm tiền còn không trụ được nữa là chúng tôi bán nước thế này. Sắp tới chắc ra vỉa hè bán cho tiện”, chị Hoa chia sẻ.
Không chỉ ở chợ nhà đất Thiên Đường Bảo Sơn, nhiều văn phòng nhà đất tại khu vực khác như Bắc An Khánh, Lê Trọng Tấn (Hà Đông), Quốc lộ 32,… cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Theo ghi nhận của phóng viên, trên dọc đường Lê Trọng Tấn, Hà Đông có tới 1/4 các văn phòng nhà đất đã đóng cửa. Hay dọc đường Khuất Duy Tiến, nhiều văn phòng nhà đất đã chuyển hướng sang kinh doanh ngành nghề khác như bán nước, xổ số,…
Anh Tuấn Anh, chủ một văn phòng nhà đất trên đường Lê Trọng Tấn, Hà Đông buồn rầu cho chúng tôi biết: “Người mua thì ít mà người xem thì nhiều. Chỉ có cách là đóng cửa, hoạt động tự do, chứ tiếp tục duy trì thì công ty sẽ phải chịu lỗ mà chi phí nhân sự, thuê nhà vẫn phải trả.”
“Tình hình này đến phải bỏ nghề, tính đến phải chuyển nghề khác”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Duy Khánh