SearchNews

Thị trường mặt bằng bán lẻ bùng nổ M&A

10/03/2014 07:28

Mở màn cho hoạt động M&A trong năm 2015 là vụ việc Lotte thâu tóm Diamond Plaza, điều này đã đưa đến dự báo: Đây sẽ là năm bùng nổ hoạt động mua bán, sáp nhập dự án trên thị trường bất động sản.

Trước khi thâu tóm Diamond Plaza, Lotte đã thao túng Mipec Tower, đưa Lotte Center (Hà Nội) đi vào hoạt động, thuê lại toàn bộ Pico Plaza (Tp.HCM), tất cả những hoạt động này cho thấy, Lotte đang từng bước thực hiện tham vọng trở thành nhà bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam.

Theo như kế hoạch, đến năm 2020, tập đoàn đến từ Hàn Quốc này sẽ khai trương 60 TTTM ở thị trường Việt Nam. Nếu chi phí đầu tư của mỗi TTTM là 30-40 triệu USD thì số vốn mà Lotte đổ vào thị trường bán lẻ Việt Nam có thể lên tới con số hàng tỷ USD, chiếm vị trí hàng đầu tại thị trường Việt Nam. Đáng nói hơn, cả Mipec Tower, Lotte Center, Pico Plaza và Diamond Plaza đều là những TTTM nằm trên vị trí “vàng” của các quận trung tâm tại Hà Nội và Tp.HCM.

Không chỉ Lotte, mà còn có hàng loạt các nhà bán lẻ hàng đầu thế giới cũng đang đổ bộ vào thị trường Việt Nam và ráo riết săn lùng những mặt bằng bán lẻ có vị trí đẹp, giao thông thuận tiện, hạ tầng tốt để đặt hệ thống cửa hàng. Không dấu diếm kế hoạch đầu tư của mình, ông chủ của Central Group, một thương hiệu bán lẻ có tiếng đến từ Thái Lan Robinson cho biết, đơn vị này đang có ý định mở thêm chuỗi cửa hàng Robins tại Việt Nam bên cạnh việc mua lại 49% cổ phần của Siêu thị Điện máy Nguyễn Kim.

Cao tay hơn, Aoen Nhật Bản đã nhanh chóng mua lại cổ phần của Fivimart và CitiMart, 2 siêu thị sở hữu chuỗi điểm bán lớn tại Hà Nội và Tp.HCM. Tại thị trường Hà Nội, Fivimart có 20 điểm bán, còn Citimart tại Tp.HCM có đến 27 điểm bán lẻ. Bên cạnh đó, đơn vị bán lẻ này cũng đang điều hành hoạt động của 2 TTTM Aeon Mall tại Tp.HCM và dự kiến, đến cuối năm 2015, sẽ tiến hành khai trương trung tâm thứ 3 tại Hà Nội.

Các doanh nghiệp dịch vụ bất động sản cho biết, trong năm 2015, 2016, dự kiến sẽ có thêm gần 800.000m2 mặt bằng bán lẻ đến từ 24 dự án gia nhập thị trường. Bên cạnh con số dự đoán khổng lồ này là hàng loạt các TTTM vẫn đang trong tình trạng èo uột có thể sẽ tạo ra một áp lực không hề nhỏ cho thị trường.

Song, các chuyên gia nhận định, thị trường mặt bằng bán lẻ dù còn dư thừa nhiều, nhưng nó vẫn luôn là một thách thức đối với các nhà bán lẻ trong nước khi muốn tìm kiếm mặt bằng thích hợp để mở thêm chuỗi. Bởi, vị trí chiếm một vai trò hết sức quan trọng đối với loại hình này.

Cách đây chưa lâu, lãnh đạo một chuỗi bán lẻ tên tuổi trong nước đã thừa nhận rằng, đang có sự phân hóa vùng miền quá cao trên thị trường bán lẻ trong nước. Có thể dễ dàng thấy được khi Co.opmart hay Citimart vẫn làm mưa làm gió tại Tp.HCM nhưng số cửa hàng tại Hà Nội lại rất khiêm tốn. Ngược lại, Fivimart cũng rất chật vật khi vào thị trường phía Nam, mà việc tìm kiếm được mặt bằng phù hợp là một trong những nguyên nhân không nhỏ dẫn đến khó khăn của đơn vị này.

Các chuyên gia cho rằng, điều này gần như bị san phẳng bởi các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính hùng mạnh đến từ nước ngoài. Không chỉ thế, việc mua lại các thương hiệu trong nước đã giúp nhà đầu tư ngoại giảm bớt được công đoạn tìm kiếm mặt bằng đẹp, phù hợp vốn không phải là dễ dàng. Vì lẽ đó, việc nhà đầu tư ngoại chiếm lĩnh các trung tâm có vị trí đẹp là điều không có gì khó hiểu.

Hoạt động M&A
Hoạt động M&A mặt bằng bán lẻ sẽ diễn ra sôi động trong năm 2015.

Ông Richard Leech, Giám đốc điều hành Công ty CBRE Việt Nam cho rằng, các nhà bán lẻ trong nước sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách trong năm 2015. Đó là việc tăng chi phí vận hành cao hơn, xu hướng phát phát triển của thương mại điện tử ngày càng nhanh, trong khi người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn, làm mức độ cạnh tranh của thị trường càng trở nên khốc liệt hơn. Không chỉ vậy, cuộc chiến bám trụ lại những vị trí có khả năng hái ra tiền của doanh nghiệp nội cũng được dự báo sẽ trở nên gay cấn.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, việc mua bán, sáp nhập trên thị trường là một hoạt động bình thường, nhưng, chúng ta cũng không thể loại trừ khả năng các doanh nghiệp bán lẻ nội sẽ bị các doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm hàng loạt khi tham gia cuộc chơi này. Và dường như nỗi lo về việc những TTTM, mặt bằng bán lẻ mang thương hiệu Việt vắng bóng hoàn toàn có lẽ không phải là một nỗi lo vô cớ.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu