SearchNews

Thị trường nhà ở Hà Nội quý I: Nhà đầu tư chủ yếu thăm dò

04/04/2017 13:26

Giao dịch trên thị trường bất động sản Hà Nội trong quý I/2017 giảm khá mạnh. Theo đánh giá của các chuyên gia, sự điều chỉnh này là cần thiết để thị trường bước vào giai đoạn tăng trưởng bền vững hơn.

Báo cáo thị trường bất động sản của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) mới đây cho thấy, trong những tháng đầu năm, chủ đầu tư vẫn liên tục tung hàng với khuyến mãi hấp dẫn tại nhiều dự án bất động sản. Cùng với đó, nhiều dự án có vị trí đẹp cũng được khởi công rầm rộ. Tuy nhiên, lượng giao dịch thành công giảm hẳn so với thời điểm cuối năm 2016.

Cụ thể, trong tháng 1/2017, thị trường Hà Nội có khoảng 1.300 giao dịch thành công, giảm 7,1% so với tháng 12/2016. Các giao dịch thành công vẫn chủ yếu tập trung tại phân khúc căn hộ chung cư trung và cao cấp. Sang tháng 2, lượng giao dịch càng giảm mạnh hơn khi chỉ có khoảng 850 giao dịch thành công, giảm 34,6% so với tháng 1. Các giao dịch thành công trong 2 tháng đầu năm vẫn chủ yếu tại phân khúc căn hộ chung cư trung và cao cấp do nguồn cung chính trên thị trường vẫn tập trung tại phân khúc này.

bất động sản Hà Nội
Bất động sản Hà Nội chững lại trong quý I chủ yếu do vướng kỳ nghỉ
Tết Nguyên đán. Ảnh: Dũng Minh

Theo đánh giá của VNREA, sự sụt giảm mạnh trong tháng 2 là do tháng này trùng vào dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, thị trường không có thêm các dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội mới. Đồng thời, số lượng dự án nhà ở liền kề, biệt thự được phát triển mới rất ít, lượng giao dịch thành công loại hình này không nhiều.

Sau sự sụt giảm mạnh trong tháng 2, tình hình thị trường bất động sản Hà Nội đã được cải thiện hơn trong tháng 3 với lượng giao dịch thành công đạt khoảng 1.000 giao dịch, tăng 17% so với tháng 2.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch CENGroup cho biết, đúng là thị trường những tháng đầu năm 2017 có chững lại so với cùng kỳ năm trước, nhưng điều này không đáng lo ngại. Theo ông Hưng, lý do của sự chững lại này là do thời gian vừa qua, nhiều tranh chấp bùng nổ giữa cư dân và chủ đầu tư, khiến nhiều người có nhu cầu về nhà ở tạm hoãn kế hoạch mua nhà để quan sát thêm, nhằm giảm thiểu rủi ro. Thực tế cho thấy, những dự án tốt do các chủ đầu tư có uy tín triển khai vẫn bán khá tốt trên thị trường. Ngoài ra, những dự án nhiều tiện ích, hạ tầng đầy đủ, hoặc có khả năng tận dụng được cơ hội từ các tuyến buýt nhanh (BRT), hay đường sắt trên cao (MRT) cũng đạt mức thanh khoản khá cao.

Đồng quan điểm , bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu, tư vấn và định giá CBRE Việt Nam cho biết, nhìn chung, tín hiệu thị trường vẫn rất tốt. Nguồn cung vẫn duy trì ổn định và dồi dào, trong khi nguồn cầu vẫn tăng lên. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ phân khúc cao cấp sang phân khúc bình dân khi tỷ lệ của phân khúc trung cấp tăng lên gấp 3 lần so với quý trước.

Theo bà An, điều này không có gì quá ngạc nhiên, bởi đây là phân khúc có tiềm năng phát triển với 70 - 80% nhu cầu mua nhà hiện tại rơi vào phân khúc này.

“Người mua nhà hiện tại đặt kỳ vọng và quan tâm nhiều hơn tới chất lượng dự án. Trong đó, uy tín của chủ đầu tư là rất quan trọng, bởi nó đảm bảo cho một dự án tốt không chỉ lúc bán hàng, mà còn sau đó phục vụ các chủ nhân sở hữu”, bà An đánh giá và cho biết, các vụ tranh chấp diễn ra thời gian vừa qua tại một số dự án như Home City Trung Kính, Hồ Gươm Plaza, Sông Hồng Parkview, New Horizon… khiến tâm lý khách hàng bị ảnh hưởng khá nhiều. Do đó, họ đã thận trọng hơn khi xem xét mua nhà thời điểm này.

"Sự soi xét kỹ lưỡng của khách hàng không chỉ diễn ra tại các dự án cao cấp, trung cấp, mà ngay cả phân khúc bình dân. Do đó, cuộc đua ngầm giữa các chủ đầu tư để nâng cao chất lượng dự án, cũng như đáp ứng các tiện ích cho người mua nhà ngày càng gay gắt", bà An nói và cho biết, số lượng giao dịch dù giảm đôi chút, nhưng chất lượng dự án đã được cải thiện hơn.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu