Anh Thiên, một người có tiền đang sinh sống tại quận Bình Thạnh, Tp.HCM cho biết, hiện anh đang cân nhắc để mua lại 5 căn hộ dự án chung cư xây dựng dở dang và đình trệ 5 năm qua ở trên đường Nam Hòa, quận 9.
Anh Thiên chấp nhận "cuộc chơi" đầy mạo hiểm là bởi anh nhận thấy giá của các dự án này rẻ đến mức không tưởng. Anh phân tích, Cũng biết là tiền nào thì của đó thật. Tại thời điểm "nóng sốt" của thị trường, 5 căn hộ này có giá là 1.300 USD/m2 nhưng do không thu hút được người mua nên đã giảm xuống còn một nửa và đến nay, khi mức giá đã xuống đến 70% thì thực sự là quá sốc nên tôi quyết định thử đầu tư.
Anh Thiên cũng cho biết thêm, do chủ đầu tư không đủ tiền để chi trả các khoản nợ nần xây dựng cũng như không muốn phải đau đầu thêm vì kiện tụng nên đã quyết định giảm lãi suất đến mức không tưởng để tìm cơ hội có chút thanh khoản. Với hơn một tỷ, anh Thiên đã có thể mua được 5 căn, bản thân anh cũng thừa nhận sự đầu tư này đầy rủi ro. "Nhưng trong kinh doanh, nếu không liều lĩnh thì chẳng bao giờ tìm được món hời. Đường này tôi lại không một mình ôm hết mà sẽ chia hàng lại cho vài mối nên cũng giảm bớt lo lắng", anh Thiên phân tích rõ.
Sự liều lĩnh của anh Thiên không phải là không có cơ sở. Bởi theo anh, dự án đã xây xong phần thô, chắc chắn khách hàng sẽ để mắt đến rất nhiều và bằng mọi giá dự án sẽ được tái khởi động trở lại. Vì sự tin tưởng vào tương lại dự án cũng như chủ đầu tư và nhu cầu thị trường nên anh Thiên sẵn sàng chấp nhận tình huống xấu nhất là dự án có thể bị đình trệ lâu hơn nữa, kéo dài dăm bảy năm miễn sao cuối cùng lấy được nhà.
|
Nhiều nhà đầu tư thứ cấp ráo riết tìm mua những dự án đã giảm giá "sốc"
mong kiếm lời. |
Hiện nay, những người đi săn bất động sản (BĐS) bán tháo "giá bèo" như anh Thiên không phải là hiếm. Bởi quan điểm của các nhà đầu tư mạo hiểm này là phải tham lam khi người khác sợ hãi thì mới mong tìm kiếm được vốn hời trong thời buổi kinh tế khó khăn này.
Cũng như anh Thiên, anh Liêm sống tại quận Tân Bình, Tp.HCM, khi được môi giới chào bán căn hộ chung cư Gia Phú ở Thủ Đức với giá từ một tỷ đồng xuống còn 500 triệu đồng/căn, anh đã quyết định xuống tiền mua 3 căn liền một lúc với giá 1.5 tỷ đồng. Lý giải cho sự đầu tư có phần liều lĩnh này, anh Liêm nói: "Chắc chắn hàng rẻ bao giờ cũng có vấn đề nhưng một khi đã rẻ tới mức cạn đáy thì mua nó sẽ không còn cảm giác lo lắng hay sợ hãi nữa. Cái này cũng như chứng khoán vậy, có người bán tháo ắt sẽ có người bắt đáy thôi".
Với ánh mắt và sự đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực BĐS thì việc đi mua dự án bán tháo nếu chỉ dựa vào tiêu chí giá cả thì thị trường thứ cấp sẽ rất dễ rơi vào tình cảnh tưởng là mua rẻ hóa ra lại đắt.
Tổng giám đốc Công ty Techcomreal, Nguyễn Xuân Lộc nhận định, có không ít nhà đầu tư săn đi săn BĐS bán tháo chỉ vì giá bèo. Nhưng ttheo ông, đây không phải là quyết định sáng suốt. Bởi "tiền nào của ấy". Như chúng ta thấy, thức ăn rẻ hầu hết không thể có đầy đủ dưỡng chất, thậm chí còn có hại cho sức khỏe. Vì vậy, các nhà đầu tư nhất thiết phải cảnh giác cao với kiểu bán tháo nhà đất này.
Từ kinh nghiệm thực tế của mình, ông Lộc cho hay, cách đây gần 2 năm sàn địa ốc của ông cũng đã được chào mua 5 căn hộ giảm giá 50% nhưng khi thẩm định dự án, nhận thấy mức giá bán như vậy là không phù hợp nên bên ông đã từ chối. Không ngờ chỉ trong vòng 12 tháng sau, có hàng loạt thông tin các căn hộ này bị bán trùng cho nhiều người đã xuất hiện. "Tôi vẫn giữ vững quan điểm của mình, BĐS không phải là thị trường dành cho mặt hàng đại hạ giá. Vì vậy, siêu rẻ luôn gắn liền với siêu rủi ro", ông Lộc nhấn mạnh.
Ông Lê Tấn Hòa, tổng giám đốc Công ty Lilama SHB mách nước cho những nhà đầu tư muốn săn hàng rẻ thì có thể tìm đến những tài sản phát mãi ở các ngân hàng, bởi các sản phẩm này sẽ đảm bảo về mặt pháp lý và cũng sự lựa chọn cũng rất phong phú. Không nhất thiết phải mạo hiểm gom BĐS trên thị trường thứ cấp khi số phận dự án không biết trôi nổi đến bao giờ vì nhiều khả năng tưởng rẻ lại hóa đắt, nếu không cẩn thận có thể là mất trắng.