Ba năm trước, chủ đầu tư mở bán lần đầu những căn nhà phố thương mại (shophouse) trên tuyến đường Nguyễn Cơ Thạch (quận 2) với giá gần cả triệu USD một căn. Lúc bấy giờ, đây là mức giá "khủng" trên thị trường sơ cấp tại tuyến đường này.
Vậy nhưng, tới quý IV/2018, giá các căn shophouse trên thị trường thứ cấp dao động trong khoảng 71-72 tỷ đồng/căn. So với mức giá chào bán lần đầu, con số này gấp 3 lần.
Cũng tại quận 2, trong vòng 4 năm, giá các căn shophouse thuộc tầng trệt chung cư 8 block tọa lạc trên mặt tiền đường Mai Chí Thọ (quận 2) đã tăng gấp đôi. Shophouse này được chủ đầu tư chào bán lần đầu hồi tháng 10/2015 với giá trên 4 tỷ đồng đối với căn rộng 57m2.
Với tỷ lệ 1 chọi 6, nhà đầu tư thậm chí phải huy động cả người thân xếp hàng tranh mua mới giành được một suất shophouse. Trong đợt mở bán cuối cùng dự án vào tháng 8/2018, giá sản phẩm đã tăng lên gấp đôi. Do số lượng hạn chế, nhu cầu khá nhiều nên dù chủ đầu tư ra giá 7,9 tỷ đồng/căn nhưng vẫn cháy hàng.
Chủ đầu tư một dự án tọa lạc trên Quốc lộ 13 (Thủ Đức) cũng chào bán các căn shophouse nằm trên trục đường chính 30-35m với mức giá 13-14 tỷ đồng đối với căn rộng 100m2. So với năm ngoái, mức giá này đã tăng gấp 2 lần.
|
Trong 2-3 năm gần đây, shophouse khu Đông Sài Gòn có tốc độ tăng giá mạnh. (Ảnh: V.L) |
Ông Lê Hồng Thịnh, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Cali Homes nhận định, tại khu Đông Sài Gòn, nhà phố thương mại nằm trên trục đường huyết mạch trong dự án hoặc căn hộ tầng trệt có chức năng thương mại của chung cư đều có tốc độ tăng giá mạnh mẽ trong 2-3 năm trở lại đây.
Loại hình bất động sản này dễ cho thuê làm mặt bằng kinh doanh nhưng nguồn cung lại khan hiếm (chiếm dưới 5% dự án) nên có sức hấp dẫn mạnh giới đầu tư. Chính vì vậy, để sở hữu tài sản này, không ít người mua chấp nhận mức chênh gấp 2-3 lần so với giá gốc.
Nhằm đảm bảo tỷ suất sinh lời cao, nhà đầu tư cần lưu ý tới nhiều khía cạnh khi rót tiền vào shophouse, ông Thịnh cho biết. Nhà đầu tư cần quan tâm tới lưu lượng khách vãng lai và cố định qua lại khu vực nếu chọn đầu tư cho thuê shophouse thuộc khối đế căn hộ, nhà phố thương mại tại dự án quy mô lớn.
Mặt khác, nhà đầu tư nên lưu ý đến việc kết nối hạ tầng nội khu, ngoại khu của sản phẩm. Đồng thời, việc phân loại khách hàng theo độ tuổi, tầng lớp, thu nhập cũng rất quan trọng, quyết định tới thành bại của suất đầu tư.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng phải cân nhắc kỹ về tỷ suất sinh lời từ việc cho thuê trên tổng giá trị đầu tư. Tỷ suất sinh lời từ việc cho thuê của nhiều shophouse trên thị trường hiện chỉ đạt 1,5-2%. So với tổng vốn bỏ ra để mua một căn nhà phố thương mại, tỷ lệ này cực thấp.
Trong khi đó, đối với nhà đầu tư mua để bán lại, tiềm năng sinh lời trong tương lai là vấn đề cần phải quan tâm. Thực tế cho thấy, sau nhiều lần đổi chủ, giá trị của một số shophouse đã bị đẩy lên quá cao so với tiềm năng sinh lời. Do đó, để bán lại sản phẩm với giá kỳ vọng, nhà đầu tư mất rất nhiều thời gian "ôm hàng".
Pháp lý của sản phẩm cũng là khía cạnh vô cùng quan trọng đối với shophouse. Thời gian qua, loại hình bất động sản này đã tạo nên một xu hướng đầu tư mạnh mẽ nên không loại trừ tình huống mập mờ về pháp lý, đánh tráo khái niệm giữa shophouse với bất động sản là nhà ở đơn thuần.
Chưa kể, giá trị của shophouse cũng bị nhân viên tư vấn "thổi phồng". Thế nên, người mua cần tìm hiểu và khảo sát kỹ càng trước khi xuống tiền nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả cho suất đầu tư.