Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM 4 tháng đầu năm 2019, trong khi dòng tiền rót vào lĩnh vực công nghiệp sản xuất, chế tạo, chế biến ở mức khiêm tốn thì bất động sản lại đứng đầu về thu hút vốn đầu tư trong nước và quốc tế.
Báo cáo cho biết, tổng vốn bổ sung và đăng ký của doanh nghiệp trong nước 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước tăng 96,1%, đạt 270.963 tỷ đồng. Tổng vốn này gồm 13.094 doanh nghiệp được cấp mới, đạt 211.691 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn là 59.272 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lĩnh vực địa ốc chiếm tỷ trọng cao nhất xét về lượng vốn đăng ký, chiếm 32,7%. Theo sau là ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa xe ô tô, xe có động cơ khác, xe máy, chiếm 17% lượng vốn đăng ký. Trong khi đó, lĩnh vực chế tạo và chế biến không được nhắc đến trong nhóm này.
|
Biểu đồ cơ cấu vốn FDI vào TP.HCM trong 4 tháng đầu năm 2019, trong đó lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất. |
Về vốn đầu tư nước ngoài rót vào TP.HCM trong 4 tháng đầu năm, có khoảng 363 dự án đã được TP cấp chứng nhận đầu tư với tổng vốn 351,66 triệu USD. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là lĩnh vực bất động sản với tỷ lệ 46,8%. Ngành chế tạo, chế biến chỉ bằng 1/10, chỉ chiếm 6,7%.
Trong 4 tháng qua có 1.320 trường hợp nhà đầu tư ngoại mua cổ phần, góp vốn, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp nội địa với trị giá 1,83 tỷ USD. Trong đó, kinh doanh địa ốc vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với 24%; công nghiệp chế tạo, chế biến chỉ chiếm 13,2%.
Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong nhận định, việc lĩnh vực bất động sản đứng đầu về thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước trong khi ngành sản xuất, chế tạo, chế biến chỉ chiếm tỷ trọng khiêm tốn là vấn đề cần phải suy nghĩ, nhất là mục tiêu và chất lượng tăng trưởng bền vững của lĩnh vực nhà đất.
Theo lãnh đạo TP.HCM: "Về mặt vốn, kinh doanh bất động sản đang chiếm tỷ lệ cao. Muốn thúc đẩy tăng trưởng bền vững thì trong cơ cấu phải tập trung phát triển chế biến, chế tạo. Ngay cả Hội nghị xúc tiến đầu tư vừa rồi, không có dự án nào về chế biến chế tạo mà toàn bất động sản, dịch vụ..."
|
Biểu đồ số dự án tại TP.HCM đang được kêu gọi đầu tư |
Ông Phong cho rằng, ngành công nghiệp chế tạo, chế biến còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Chẳng hạn, ngành chế biến thực phẩm còn sơ khai trong khi TP.HCM có địa lý gắn với vùng nông sản lớn là miền Tây và Đông Nam Bộ.
Sở KH&ĐT TP.HCM được Chủ tịch UBND TP giao nhiệm vụ phối hợp cùng Sở Công thương trong việc chủ động tìm kiếm nhà đầu tư lớn. Lãnh đạo TP nhấn mạnh: "Giờ phải rước ‘đại bàng’ về một số ngành, đặc biệt là sản xuất, chế biến".
So với cùng kỳ năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp tại TP.HCM bằng 6,07%, ước tăng 6,58%. Sản xuất kim loại, sản phẩm từ giấy, giấy và sản phẩm điện tử là những ngành có chỉ số tăng cao.
Sản xuất của các doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao TP.HCM ổn định trong những tháng đầu năm 2019. Trong 4 tháng qua, giá trị sản xuất so với cùng kỳ tăng 34,7%, đạt 4,78 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu tăng 32,4%, đạt 4,2 tỷ USD.