SearchNews

TP.HCM xếp thứ ba về triển vọng đầu tư địa ốc tại châu Á - Thái Bình Dương

14/11/2019 08:10

Viện Đất đai Đô thị Mỹ (ULI) và PwC vừa công bố báo cáo khảo sát Emerging Trends. Sau Singapore và Tokyo (Nhật Bản), TP.HCM giữ vị trí thứ ba về triển vọng đầu tư địa ốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Được biết, có tới 460 chuyên gia về bất động sản đã tham gia, đánh giá trong khảo sát Emerging Trends. Với kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, TP.HCM là thị trường mới nổi duy nhất được các nhà đầu tư đánh giá cao.

Báo cáo nêu rõ, TP.HCM liên tục nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giới đầu tư trong toàn khu vực bất chấp tâm lý của nhà đầu tư đối với những thị trường mới nổi đang trong trạng thái suy yếu. Theo giới chuyên gia, sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc kéo theo dòng tiền lớn rót vào thị trường Việt Nam. Trong số 22 thành phố được khảo sát, đánh giá, TP.HCM đứng đầu về triển vọng phát triển địa ốc năm 2020.

Một chuyên gia cho hay: "Trong năm qua, trong số 25 nhà sản xuất lớn rời Trung Quốc, phần lớn chuyển sang Việt Nam, Thái Lan hoặc Myanmar".

TP.HCM đứng thứ 3 về triển vọng đầu tư, phát triển địa ốc
Danh sách 22 thành phố được xếp hạng dựa trên triển vọng đầu tư, phát triển năm 2020 của báo cáo khảo sát Emerging Trends, trong đó TP.HCM xếp thứ ba.

Trong bối cảnh dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, các nhà đầu tư ồ ạt tìm nơi xây dựng nhà máy mới, bất động sản ở khu vực trung tâm kinh tế, vận tải thuộc các thị trường mới nổi trở nên sốt nóng nhất từ trước tới nay. Báo cáo của Savills cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, cho thuê bất động sản công nghiệp ở một số tỉnh, thành Việt Nam đã tăng trưởng ở mức hai con số. Ví dụ, mức tăng này tại Tây Ninh, Bình Dương lần lượt là 31,1% và 54,6%. Vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay tăng tới 69,1%, lên 16,74 tỷ USD.

Với lượng giao dịch gia tăng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm (nhờ dùng vốn ngoại là chủ yếu), Singapore trở thành thị trường đứng đầu về triển vọng đầu tư bất động sản. Đáng chú ý, phân khúc văn phòng Singapore trong vài năm trở lại đây đã hấp thụ hầu hết lượng cung dư thừa. Niềm tin của giới đầu tư ngắn hạn được khôi phục khi nguồn hàng mới hạn chế và tỷ lệ bỏ trống thấp kỷ lục.

Mặt khác, với những bất ổn về chính trị đang diễn ra, dòng vốn lớn từ Trung Quốc và Hồng Kông cũng dịch chuyển sang thị trường Singapore. Với biểu tình triền miên và giá nhà đất tăng cao thời gian qua, Hồng Kông đứng ở vị trí cuối bảng xếp hạng này.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu