Theo báo cáo của Savills Việt Nam, trong quý I/2017, nguồn cung văn phòng cho thuê Hà Nội nhìn chung ổn định, tổng nguồn cung văn phòng đạt 1.640.000 m2, tăng 0,3% theo quý và 1,9% theo năm. Horison Tower, một dự án hạng A ở khu vực quận Đống Đa đã gia nhập thị trường và cung cấp thêm 5.200 m2.
Bà Đỗ Thu Hằng, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Savills Hà Nội cho biết, công suất cho thuê văn phòng ở Hà Nội đạt mức 88%, tăng nhẹ theo quý và theo năm. Giá thuê bình quân đạt 19 USD/m2/tháng. Trong đó, giá thuê văn phòng hạng A trung bình là 27 USD, hạng B là 17 USD và hạng C là 12 USD. Mức giá bình quân này có xu hướng giảm nhẹ do mức giá thuê của văn phòng hạng A và hạng C giảm.
Có điểm đáng chú ý là hoạt động cho thuê văn phòng hạng A ở trung tâm rất tốt, công suất bình quân các tòa nhà hạng A đạt trên 90%, giá thuê bình quân là 32,5 USD/m2/tháng. Các tòa nhà hạng A ở ngoài trung tâm hoạt động kém hơn, công suất chỉ đạt 80% với mức giá bình quân 24 USD/m2/tháng, trừ ngoại lệ là tòa nhà Lotte, mức công suất đã được cải thiện đạt 97%.
Ảnh: Đức Thanh
Trong bối cảnh 1 - 2 năm tới, khu vực này không có thêm dự án văn phòng, thì công suất các tòa nhà sẽ được tăng lên, mức giá sẽ ổn định, thậm chí có khả năng tăng.
Ở phía Tây, quận Cầu Giấy đang là địa bàn có nguồn cung lớn nhất với hơn 400.00 m2 sàn, tiếp đó là quận Hoàn Kiếm.
Công suất cho thuê văn phòng ở thị trường TP.HCM cao hơn nhiều Hà Nội, đạt 97% và giá cho thuê văn phòng hạng A lên đến 45 USD/m2/tháng. Theo Savills, điều này là dễ hiểu, bởi TP.HCM có dân số đông hơn, số lượng doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện lớn hơn, nhưng nguồn cung văn phòng cho thuê tại TP.HCM cũng chỉ đạt 1,6 triệu m2 sàn, tương đương với nguồn cung ở Hà Nội.
“Tình hình giá thuê tạo áp lực, nhiều chủ đầu tư trăn trở có nên đầu tư hạng mục văn phòng cho thuê tại Hà Nội hay không”, bà Hằng cho biết.
Về nguồn cung trong tương lai, theo Savills, năm 2017 dự kiến thị trường đón thêm 158.000 m2 sàn, trong đó có dự án rất đáng chú ý là Discovery Complex (quận Cầu Giấy). Tòa tháp 43 tầng này sẽ cung cấp hơn 45.000 m2 diện tích văn phòng hạng A. Sang năm 2018, dự kiến có 11 dự án với quy mô hơn 161.000 m2 sàn sẽ ra mắt thị trường.
Trong khi đó, thống kê của Cushman & Wakefield cho biết, hiện Hà Nội có 17 tòa nhà văn phòng hạng A và 69 tòa nhà văn phòng hạng B, cung cấp lần lượt hơn 400.000 m2 và 800.000 m2 diện tích thuê cho thị trường. Hơn 45% tổng nguồn cung hiện hữu tập trung ở khu vực phụ cận, 34% ở khu vực phía Tây và 19% ở khu vực trung tâm.
Cushman & Wakefield đánh giá, cả văn phòng hạng A và B đều tăng trưởng tốt. Tỷ lệ cho thuê của văn phòng hạng A đã tăng 4% so với quý IV/2016 và tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 86%. Trong khi đó, tỷ lệ cho thuê của văn phòng hạng B tăng nhẹ 1% theo quý và tăng 2% theo năm, đạt 91%.
Ông Alex Crane, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định: “Nhu cầu thuê văn phòng đã dịch chuyển sang các thị trường phụ cận khác, dẫn đến sự gia tăng lượng hấp thụ của thị trường ở các quận liền kề như Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa và quận Cầu Giấy ở phía Tây”.
Đánh giá triển vọng thị trường văn phòng cho thuê, bà Đỗ Thu Hằng cho rằng, yếu tố doanh nghiệp thành lập mới có ảnh hưởng lớn tới văn phòng cho thuê. Năm 2017, Hà Nội phấn đấu đạt 40.000 doanh nghiệp thành lập, gấp đôi so với năm 2016. Nếu mục tiêu này đạt được sẽ hỗ trợ rất lớn cho thị trường văn phòng.
Ngoài áp lực cạnh tranh từ các dự án sắp hoàn thiện, cả Savills và Cushman & Wakefield đều cảnh báo áp lực cạnh tranh từ các loại văn phòng hiện đại như office-tel (văn phòng lưu trú), văn phòng dịch vụ, không gian làm việc chung…
“Quý I/2017, thị trường ghi nhận sự xuất hiện office-tel, chủ đầu tư đã bắt đầu tung ra thị trường và trong thời gian 1 - 2 năm tới, thị trường văn phòng cho thuê sẽ có thêm áp lực cạnh tranh từ khối này. Loại hình văn phòng này rất phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ do giá thuê hợp lý, vừa làm văn phòng vừa có thể ở”, bà Hằng cảnh báo.