Giống như những con phố khác ở Hà Nội, hoạt động mua bán trên phố Lương Định Của (Đống Đa) cũng sầm uất, tấp nập từ sáng tới đêm. Thế nhưng, nếu để ý kỹ, người đi đường sẽ không khỏi ngạc nhiên, bởi suốt từ ngã ba phố Lương Định Của giao với phố Hoàng Tích Trí chỉ toàn là những cửa hàng siêu nhỏ .
Theo quan sát, dãy cửa hàng trên con phố này buôn bán đủ các mặt hàng, từ đồ điện tử, điện gia dụng, đồ ăn, hoa quả tươi,... cho đến cửa hàng cầm đồ. Điểm chung của những cửa hàng trên là khá tạm bợ, với mái lợp bằng tôn, vách ngăn tường bằng tôn và diện tích khá eo hẹp.
Cụ thể, chiều dài mặt tiền của các cửa hàng chỉ từ 1-2 mét, sâu 1-1,2 mét, thậm chí có cửa hàng sâu chỉ 0,5 mét.
Một dãy 40 cửa hàng siêu nhỏ, siêu mỏng trên phố Lương Định Của.
Thế nên, phần diện tích chật chội đều được tận dụng tối đa để trưng bày hàng hóa, vừa chất đống dưới đất vừa treo kín cả mái nhà. Chủ hàng kê ghế ngồi ngoài vỉa hè, còn khách muốn xem chỉ có thể đứng bên ngoài ngó vào, lấy tay chỉ trỏ. Lý do đơn giản: bên trong cửa hàng không còn lấy một chỗ trống để bước chân vào.
Ông Trung, chủ một cửa hàng diện tích chưa đầy 1,5 m2 trên phố Lương Định Của, chia sẻ: “Ở những phố khác, cửa hàng siêu mỏng xuất hiện là do mở rộng đường. Nhưng riêng phố này, từ khi mọc lên đến giờ các cửa hàng đã siêu mỏng rồi”.
Ông kể, cách đây khoảng 40 năm, một bên của phố Lương Định Của là khu tập thể, còn một bên là ruộng rau muống. Thế rồi, khu đất ruộng rau muống được quy hoạch xây trường mầm non Kim Liên (tên trường bây giờ).
Chiều dài mặt tiền của mỗi cửa hàng trên phố này chỉ từ 1-2 mét.
Chiều sâu cửa hàng rộng nhất chỉ khoảng 1 mét.
Thậm chí, có cửa hàng sâu chỉ khoảng nửa mét.
Lúc nghe có quy hoạch xây trường, người dân ở đây đem dây ra căng xí phần mặt tiền. Mỗi người xí 1-2 mét mặt phố rồi dựng cửa hàng lên buôn bán. Đến khi xây xong bức tường trường mầm non, xác định mốc giới vỉa hè thì cũng là lúc còn chừa lại các cửa hàng với diện tích siêu nhỏ.
Từ đó, hình thành cả một dãy gần 40 cửa hàng nằm san sát nhau, với diện tích khiêm tốn trung bình từ 1-2 mét vuông/cửa hàng.
“Từ đó đến nay, dãy cửa hàng siêu mỏng vẫn tồn tại. Mỗi cửa hàng đã thay vài đời chủ, nhưng chúng vẫn nguyên vẹn như lúc ban đầu. Hàng tháng, chủ cửa hàng kinh doanh vẫn nộp thuế đầy đủ”, ông nói.
Không gian cửa hàng được tận dụng tối đa để trưng bày hàng hóa, khách
đứng mua chỉ có thể đứng bên ngoài vỉa hè xem hàng.
Chiếc gậy dài hơn 1m là công cụ để chủ cửa hàng móc đồ ra cho khách xem.
Dù diện tích cửa hàng siêu nhỏ, nhưng để mua được cũng mất cả 100
triệu đồng.
Trong khi đó, ông Nhu, nhà ở Nguyên Hồng (Đống Đa, Hà Nội) - chủ nhân của 3 cửa hàng siêu nhỏ trên con phố này, tiết lộ, nhiều gia đình chỉ đủ ăn, nhưng có nhiều gia đình còn giàu lên nhờ kinh doanh buôn bán tại đây.
Ông Nhu chia sẻ, 7 năm trước, để mua được 2 cửa hàng , một để ông bán trái cây và 1 cho con gái làm tiệm nối mi, sơn sửa móng tay, ông phải bỏ ra gần 300 triệu đồng. Diện tích mỗi cửa hàng chỉ khoảng 1,5 mét vuông.
“Đó là giá tôi mua đứt, chứ nhiều người kiên quyết không bán, giữ lại cho thuê với giá 6 triệu đồng/tháng”, ông Nhu nói.