Giá đất theo quyết định của TP. Hà Nội giai đoạn 2015-2019, các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng có giá đất thuộc top cao nhất.
Quận Hoàn Kiếm có hơn 50 tuyến phố có giá đất vượt mức 100 triệu đồng. 3 tuyến đạt mức “quán quân” với giá niêm yết 162 triệu đồng/m2 là Hàng Đào, Hàng Ngang, Lê Thái Tổ.
Các tuyến phố quanh hồ Gươm có giá đắt nhất Hà Nội.
Với giá thấp hơn một chút, các khu đất vàng khác của quận Hoàn Kiếm nằm dọc bờ hồ Hoàn Kiếm và trong khu phố cổ như Đinh Tiên Hoàng, Hàng Gai, Hàng Đường (120 triệu đồng/m2), Hàng Bông, Hàng Mã, Hồ Hoàn Kiếm, Tràng Tiền (116 triệu đồng/m2)...
Cách xa hơn một chút, các phố Hàng Bài, Đồng Xuân, Nhà Thờ, Lý Thường Kiệt, Lương Văn Can, Hai Bà Trưng (đoạn từ Lê Thánh Tông đến Quán Sứ), Bà Triệu (đoạn từ Hàng Khay đến Trần Hưng Đạo) cùng có giá 112 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, đó chỉ là mức giá "trên giấy" do UBND TP quy định. Còn thực tế, giá bán trên thị trường của các phố này cao gấp 5-10 lần.
Phố Hàng Đào có giá giao dịch trên thị trường 800 triệu - 1 tỷ đồng/m2.
Mỗi m2 giá tỷ đồng vẫn hiếm hàng
Cuối năm 2010, để giải tỏa được khu đất vàng số 22-24 Hàng Bài và 25-27 Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm) cho dự án xây dựng trung tâm thương mại, chủ đầu tư đã phải chấp nhận đền bù với giá 900 triệu đồng/m2 bởi mức giá đền bù mà chủ đầu tư đưa ra 500 triệu đồng/m2 không được người dân chấp nhận.
Sau đó, việc giải tỏa khu đất này vẫn còn kéo dài vì một số chủ hộ khác đòi mức giá bồi thường 1 tỷ đồng/m2.
Khảo sát hiện nay, mặc dù cơn sốt giá bất động sản năm 2010 đã qua nhưng giá đất tại các phố trung tâm quận Hoàn Kiếm vẫn không hề suy giảm. Theo tìm hiểu, Hoàn Kiếm đang có giá đất cao nhất toàn thành phố, bỏ xa các quận trung tâm khác như Ba Đình, Đống Đa.
Tại 3 tuyến phố được định giá cao nhất (162 triệu đồng/m2) là phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Lê Thái Tổ, giá đất thực tế lên đến khoảng 700-800 triệu đồng/m2.
Báo cáo của Colliers International cho biết, giá đất tại các quận trung tâm Hà Nội lên đến 27.200 USD/m2 (gần 600 triệu đồng), đắt ngang với giá ở nhiều thành phố lớn trên thế giới như Paris, Tokyo.
Cũng trong khu phố cổ, phố Lãn Ông có giá khoảng 500-650 triệu đồng/m2.
Đất ở thuộc các tuyến phố như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Bông, Hàng Hành, Lê Thái Tổ luôn được “hét” giá từ mức 700 triệu đến 1 tỷ đồng/m2. Tuy giá cao như vậy nhưng lượng giao dịch thành công không nhiều. Thực tế vài năm gần đây, ít có giao dịch đất diễn ra trên các tuyến phố trung tâm.
"Đất thuộc khu vực phố cổ luôn có giá cao ngất ngưởng vì có giá trị về lịch sử, văn hóa, nằm ở vị trí trung tâm, thuận tiện về buôn bán. Chỉ cần khoảng chục mét vuông mặt đường, người dân có thể kiếm vài chục triệu đồng thu nhập mỗi tháng hoặc cho thuê. Bởi vậy, nhà mặt tiền tại các phố Hàng Ngang, Hàng Đào dù cũ, nhỏ nhưng chưa khi nào có giá dưới 800 triệu đồng/m2. Tuy vậy rất ít có giao dịch thành công vì không ai muốn bán đi núi vàng như vậy, trừ trường hợp bất đắt dĩ", một chuyên gia nhận định.
Bác Thu bán bún ốc trên phố Hàng Bạc cho biết, các tuyến phố cổ giúp người dân "hái ra tiền". Trong trường hợp không kinh doanh, các hộ có thể thu về 30-70 triệu đồng/tháng nhờ việc cho thuê mặt bằng với diện tích từ 15 - 50 m2.