Giá nhà đã giảm xuống khá nhiều suốt thời gian qua. Rồi cái bắt tay “thân ái” giữa chủ đầu tư dự án và ngân hàng dường như nhen nhóm những tia hi vọng cho những người dân có nhu cầu thực sự được chạm tay vào giấc mơ có nhà. Những quảng cáo hỗ trợ lãi suất mua nhà từ các ngân hàng lớn, nhỏ cho đến các Cty tài chính bảo hiểm như Manulife, Prudential… với những điều kiện hấp dẫn về lãi suất, thời gian đáo hạn…Thế nhưng việc vay vốn để mua nhà không hề dễ dàng như người ta vẫn tưởng. Đằng sau những bản hợp đồng được ký kết, câu chuyện giữa người bán và người mua mới chỉ bắt đầu…
Hãy cẩn trọng khi vay vốn mua nhà.
Những vụ kiện tụng khi chủ đầu tư lừa đảo chiếm dụng tiền mua nhà của khách hàng, bỏ trốn hay chậm tiến độ, chậm thời gian bàn giao nhà… nhan nhản trên các trang báo khiến người đang có ý định mua nhà đều “phát sốt”. Thế nhưng, nhu cầu bức thiết vẫn buộc họ phải tìm mọi cách để có nhà. Vợ chồng Thu Hòa (Nam Định) cho biết: “Hai vợ chồng tôi đã phải đi thuê trọ một thời gian dài. Nay tích góp rồi vay mượn thêm được khoảng 400 triệu. Thế nhưng từng ấy tiền mua đất thì phải mua chung rồi chia lô, còn mua chung cư thì không thể. Chúng tôi cũng đã tính tới phương án mua nhà chung cư mini nhưng rồi lại lăn tăn về giấy tờ, sổ đỏ. Xoay ra tính vay vốn ngân hàng mua cái căn hộ chung cư khoảng trên dưới 1 tỷ. Biết là sẽ vất vả nhưng cám cảnh lắm rồi đi thuê nhà trọ nay đây mai đó suốt”. Với tổng thu nhập của 2 anh chị là khoảng 15 triệu/tháng thì họ có cơ hội để tiếp cận nguồn vốn vay mua nhà của các ngân hàng.
Hiện nay, điều kiện cho vay ở các ngân hàng như VCB, HSBC, VIB, Eximbank… đều khá giống nhau. Khách hàng phải chứng minh được khả năng trả tiền gốc và lãi định kỳ hàng tháng và tài sản thế chấp. Thế nhưng việc chứng minh khoản thu nhập đều đặn từ lương và các khoản khác được xác nhận bởi cơ quan chủ quản lại không hề dễ dàng. Đơn cử như với mức lương công chức Nhà nước hiện nay chỉ mấy triệu đồng một tháng thì rất khó để một ngân hàng chấp nhận cho khách hàng vay mua nhà. Mặc dù, người đó có những khoản tiền ngoài lương rất cao nhưng ai sẽ xác nhận nguồn thu đó? Vậy nên việc chứng minh thu nhập luôn là trở ngại đầu tiên cho người mua nhà. Nếu qua được các điều kiện cho vay của ngân hàng thì ngay lập tức khách hàng sẽ phải nghĩ đến việc làm sao trả được nợ. Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, ở nước ngoài người mua nhà được cho vay tiền với lãi suất 3 - 5%/năm thời hạn 20 -30 năm. Trong khi đó, chúng ta công bố lãi suất 12 - 15%, hay thậm chí lớn hơn như thời gian trước đây với thời hạn đáo hạn ngắn thì quá cao so với thu nhập của phần lớn người dân Việt Nam. Vậy làm sao mà họ có thể trả nổi khoản nợ lãi và gốc hàng tháng được chứ! Thế nên, nếu trong trường hợp của anh chị Thu Hòa thì nếu họ quyết định trả dần trong 10 năm thì tổng số tiền họ phải trả chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều số tiền họ vay ngân hàng ban đầu. Chưa kể, trong suốt khoảng thời gian đó, họ không được phép xảy ra những sự kiện bất khả kháng như tai nạn, nhập viện, mất việc…
Với những người đã đặt tay ký vào hợp đồng vay vốn ngân hàng mua nhà như anh Hùng (Hoàng Mai) lại là một câu chuyện khác. Anh cho hay: “Lúc đầu trong hợp đồng đưa ra mức thỏa thuận lãi suất ưu đãi 13 - 14%/năm trong 6 tháng, sau đó số tiền trả sẽ được giảm dần. Nhưng thực tế thì ngân hàng lại áp dụng mức lãi suất mới điều chỉnh cao hơn con số ban đầu ký sau khi kết thúc 1 năm”. Theo đại diện của phía ngân hàng thì việc điều chỉnh đó đã nằm trong phần hợp đồng ký kết với khách hàng. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, người mua nhà cần phải tự trách mình trước vì đã không nghiên cứu kỹ hợp đồng. Có một điều khá kỳ lạ là người dân chấp nhận mạo hiểm vay tiền ngân hàng mua nhà thế nhưng khi làm hợp đồng không có mấy người sử dụng đến luật sư – một việc làm phổ biến ở các nước trên thế giới để có những kiến thức đầy đủ về bản hợp đồng mình sẽ ký kết? Thế nên, khách hàng một là phải chấp nhận trả con số lãi suất ngân hàng đưa ra, hoặc là chịu phạt không nhỏ để thanh toán trước hạn. Cả 2 cách đều làm cho giấc mơ có nhà của họ càng nhọc nhằn và khó khăn!
Năm 2011 lãi suất ngân hàng đã có lúc nhảy vọt lên tới 25%/năm khiến người mua nhà điêu đứng. Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi của chính mình, người vay cần phải xem xét và tính toán cẩn thận khoản vay thích hợp với tình hình tài chính và khả năng chi trả của cá nhân. Cách tính an toàn nhất là tiền trả nợ nhà chỉ nên bằng 30 - 40% của tổng số tiền lương mỗi tháng (đã trừ thuế thu nhập cá nhân). Với tình hình kinh tế hiện nay, không có gì chắc chắn là sau thời gian hỗ trợ lãi suất như trong quảng cáo thì ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất thế nào và bao nhiêu. Vì thế, người vay cần tỉnh táo khi đưa ra quyết định và đặt bút ký vào hợp đồng vay vốn này.
Theo Báo Xây dựng