Ghi nhận của phóng viên VTV cho thấy, nếu như trước đây các văn phòng môi giới giá rẻ nở rộ ở khu vực Nhật Tân, huyện Đông Anh, Hà Nội thì nay chỉ còn lại lác đác vài văn phòng nhỏ lẻ, thậm chí có nơi đã đóng cửa. Nhiều môi giới hét giá nhà mặt phố tại đây tới gần 200 triệu đồng/m2, tuy nhiên, người dân sống ở đây cho biết rằng hầu như không có ai đến mua.
Thông tin một số dự án lớn sẽ được triển khai ở khu vực này như: Thành phố thông minh, Công viên giải trí Kim Quy, khu trung tâm thương mại tài chính khiến giới đầu tư quan tâm. Tuy nhiên, theo đại diện UBND xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, rất ít trường hợp người dân bán đất mà các giao dịch chủ yếu do các nhà đầu cơ đã ôm đất từ nhiều năm trước mua đi bán lại.
Ông Hoàng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh cho biết, bản cahats thị trường bất động sản tại đây vẫn ổn định, việc đất đầu năm chủ yếu do một số "cò đất" tự đẩy giá lên.
Tại huyện Hoài Đức, cuối năm 2017, nhiều môi giới hét giá tăng 20 - 30 % tại một số khu vực Tuy nhiên, theo vị đại diện huyện Hoài Đức, nguyên nhân xuất hiện thông tin trên là do một loạt dự án phát triển hạ tầng giao thông phía Tây Hà Nội được phê duyệt và thông tin Hoài Đức sẽ lên quận vào năm 2020. Tuy nhiên, trên thực tế, giao dịch mua bán đất tại Hoài Đức khá trầm lắng.
Theo ông Nguyễn Chí Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện Hoài Đức, hiện chưa có biến động lớn về giá đất tại đây, đối với những nơi giá đất lên cao cũng chưa có giao dịch nào thành công.
Nhiều chuyên gia nhận định, đất nền Hoài Đức và Đông Anh là những khu vực đầu tư có tiềm năng trong điều kiện quỹ đất ở trung tâm thủ đô không nhiều. Tuy vậy, các nhà đầu tư cần khảo sát kỹ về giá cả, lắng nghe thông tin đa chiều thay vì nghe một nhóm người hay đầu tư theo phong trào vì đã có bài học nhãn tiền từ cơn sốt đất ảo ở Ba Vì hay Từ Liêm. Nhà đầu tư cần kiểm tra thông tin quy hoạch từ địa phương trước khi rót vốn vào các khu đất để tránh tình trạng "ôm cũng dở, bán cũng không xong".