SearchNews

Việt Nam hấp dẫn các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới

23/11/2014 14:40

“Các con đường đắt đỏ nhất Thế giới” là ấn phẩm mới xuất bản của Công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Cushman & Wakefield. Đơn vị này đã lựa chọn hơn 500 con đường mua sắm hàng đầu thế giới và xếp loại chúng theo giá thuê.

Theo ấn phẩm thứ 27 này, giá thuê đã tăng 35% tại các con đường mua sắm trên toàn thế giới, bất chấp những bất ổn toàn cầu tăng liên tục trong 12 tháng qua. Đồng thời, bản báo cáo cũng cung cấp bảng xếp hạng 65 con đường đắt nhất tại mỗi quốc gia. Trong đó, Tp.HCM của Việt Nam là TP có các con đường mua sắm tại quận trung tâm đắt đỏ thứ 32 trên thế giới, so với năm 2014 đã tăng 1 hạng.

Doanh số bán lẻ thấp cùng với số lượng khách du lịch Trung Quốc giảm đã gây áp lực đến giá thuê tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Việc này đã khiến giá thuê mặt bằng bán lẻ giảm, từ đó tạo động lực cho nhiều thương hiệu cao cấp quốc tế cũng như những nhà bán lẻ gia nhập thị trường. Thế nhưng, quy định tăng lãi suất của Chính phủ Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu của người tiêu dùng. Trong khi đó, tại các quốc giá khác, nhà bán lẻ quốc tế cao cấp đang nhắm đến Australia, Metro Manila và New Zealand.

Tại các thị trường khác như Việt Nam và Malaysia, tăng trưởng của thị trường bán lẻ và sự gia nhập của các thương hiệu quốc tế trong khi thu nhập trung bình của người dân đang tăng lên, điều kiện kinh tế ổn định đang tạo ra động lực cho thị trường bán lẻ. Ngoài ra, lĩnh vực thương mại điện tử đang phát triển và chiếm thị phần lớn trong tổng doanh thu bán lẻ, mặc dù hình thức mua sắm truyền thống vẫn được người dân ưa chuộng.

Tự do hóa thị trường bán lẻ năm 2009 đã giúp các thương hiệu nước ngoài gia nhập vào Việt Nam và các thương hiệu trong nước không ngừng mở rộng để duy trì thị phần. Những ngành hàng phát triển nhất của phân khúc bán lẻ hiện nay là ăn uống (F&B) và các sản phẩm tiêu dùng.

thị trường bán lẻ
Theo Cushman & Wakefield, Việt Nam đang là điểm đến của các tập đoàn
bán lẻ hàng đầu thế giới.

Giám Đốc Bộ phận Bán lẻ Cushman & Wakefield tại Châu Á - Thái Bình Dương ông Theodore Knipfing nhận định: "Triển vọng thị trường bán lẻ Châu Á rất tích cực, trong suốt 5 năm qua, mức tăng trưởng doanh số bán lẻ trung bình là 8,5%. Lượng khách du lịch tăng đang thúc đẩy hoạt động bán lẻ mạnh mẽ tại các địa điểm mua sắm có vị trí đắc địa và thuận lợi. Tuy sự phát triển của thương mại điện tử trong khu vực hiện nay rất đáng chú ý, song các hình thức mua sắm truyền thống vẫn có vị trí quan trọng trên thị trường, theo đó các chủ cửa hàng sẽ cần tập trung cải thiện môi trường mua sắm và quan tâm đến trải nghiệm khách hàng nhằm tăng sức cạnh tranh".

Đại diện Bán lẻ Cushman & Wakefield Việt Nam bà Võ Thị Phương Mai cho biết thêm, thống kê của Cushman & Wakefield cho thấy, khoảng 1,5 triệu mét vuông diện tích sàn bán lẻ sẽ gia nhập thị trường mặt bằng bán lẻ tại Tp.HCM trong vòng 5-7 năm tới, nâng tổng số diện tích mặt bằng bán lẻ lên gần 2,5 triệu mét vuông. Thị trường bán lẻ sẽ sôi động, nhất là ở phân khúc bình dân và trung cấp. Hiện nay, các tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài xem Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng trong khu vực. Điều này được thể hiện rõ trong thời kỳ 2014 - 2015, hàng tiêu dùng, bán lẻ là xu hướng chủ đạo của các thương vụ M&A và chiếm 36% tổng giá trị các thương vụ M&A của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam xếp thứ 32 trong các quốc gia có các con đường mua sắm có giá thuê đắt đỏ nhất thế giới. Trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị gia nhập hàng loạt hiệp định tự do thương mại như TPP và AEC thì điều này sẽ khiến các nhà bán lẻ trong nước đối mặt với rất nhiều khó khăn bởi giá thuê mặt bằng đóng vai trò quan trọng thứ hai (sau địa điểm) trong chiến lược kinh doanh, còn các nhà bán lẻ nước ngoài có tiềm lực tài chính hùng mạnh sẻ đủ khả năng thuê những mặt bằng có vị trí đắc địa nhất thị trường.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu