Dự án triển khai ì ạch khiến đơn giá đất bồi thường cũng phải thay đổi xoành xoạch theo hướng tăng... chóng mặt, khiến Nhà nước, người dân và doanh nghiệp cùng chịu thiệt.
Nhiều khu đất “vàng” nằm ở trung tâm TPHCM dù được UBND TP phê duyệt làm dự án từ rất lâu nhưng nhiều năm qua khai thác không hiệu quả. Điều này khiến Nhà nước, người dân và doanh nghiệp cùng chịu thiệt. Nguyên nhân do hầu hết các dự án bị ách ở khâu đền bù giải tỏa
Bốn năm, chỉ 1 hộ di dời!
Dự án tháp SJC thuộc phường Bến Thành, quận 1 nằm ở khu vực đắc địa trung tâm TP với 4 tuyến đường lớn bao quanh là Lê Lợi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Thánh Tôn và Nguyễn Trung Trực.
Theo UBND quận 1, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án đã được Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) quận 1 triển khai từ năm 2005 theo chủ trương của UBND TP.
Trong đó có 26 hộ dân ở đường Lê Thánh Tôn cùng 15 ki-ốt tại lối đi nội bộ từ đường Nguyễn Trung Trực sang Nam Kỳ Khởi Nghĩa bị giải tỏa để thực hiện dự án.
Năm 2007, UBND TP đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương thực hiện dự án này. Thế nhưng đến nay đã gần 5 năm, chỉ có 1/26 hộ đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng.
“Còn lại 25 hộ vẫn “án binh bất động”, nhiều lần quận 1 gởi thông báo, quyết định bồi thường nhưng không thấy ai đến làm việc”- một cán bộ của Ban BTGPMB quận 1 cho biết.
Đối với chủ của 15 ki-ốt, đến nay cũng chỉ có 8/15 ki-ốt là đồng ý nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Trước tình thế này, Ban BTGPMB quận 1 đã lập thủ tục, chuyển số tiền bồi thường, hỗ trợ gần 25 tỉ đồng của 6/25 hộ dân vào tài khoản ở ngân hàng.
Dự án khu tứ giác Eden cũng thuộc vào loại đất “vàng” do nằm ở vị trí khá thuận lợi, đối diện với trụ sở UBND TP và khách sạn REX. Công ty Cổ phần Vincom được UBND TP chấp thuận giao đất thực hiện dự án.
Cụm công trình mà Vincom thực hiện gồm trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn, văn phòng, căn hộ cao cấp và bãi đậu xe ngầm. Để thực hiện dự án này, quận 1 phải giải tỏa, di dời 201 hộ dân và 15 cơ quan, đơn vị. Từ tháng 12-2007 (thời điểm công bố chủ trương thực hiện dự án) đến nay mới có 34/201 hộ dân đồng ý nhận tiền bồi thường (16,9%). Số hộ còn lại chỉ mới dừng ở mức thương thảo.
Kinh phí bồi thường... nhảy vọt
Dự án triển khai ì ạch khiến đơn giá đất bồi thường cũng phải thay đổi xoành xoạch theo hướng tăng... chóng mặt. Cụ thể, tại dự án tháp SJC, đơn giá đất bồi thường ở mặt tiền đường Lê Thánh Tôn mà TP ban hành ngày 4-12-2008 đã tăng hơn 100% so với đơn giá trước đó 1 năm, từ 135 triệu đồng/m² lên 280,6 triệu đồng/m².
Tuy nhiên, khả năng giá đền bù sẽ còn thay đổi vì hiện nhiều hộ dân nằm trong dự án có đơn kiến nghị cho rằng giá đất bồi thường, hỗ trợ còn thấp, TP cần điều chỉnh.
Theo Ban BTGPMB quận 1, tháng 2-2009, chủ đầu tư dự án cũng đã đưa ra phương án hỗ trợ thêm cho các hộ dân. Tại dự án Eden, số hộ kiến nghị đòi tăng giá đền bù cũng không kém dự án trên.
Một dự án khác cũng triển khai ì ạch khiến kinh phí “nhảy vọt” là dự án xây dựng chung cư mới tại khu đất 2 chung cư cũ Trần Hưng Đạo và Hồ Hảo Hớn. Từ năm 2004, UBND quận 1 đã lên kế hoạch di dời khoảng 200 hộ dân để tiến hành xây dựng chung cư mới nhưng đến nay, việc di dời, bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho các hộ dân vẫn chưa rốt ráo.
Hiện nay, đơn giá bồi thường cho các hộ dân so với ban đầu đã tăng trên 300%. Đó là chưa kể số tiền không nhỏ chủ đầu tư bỏ ra để thưởng thêm cho các hộ dân thực hiện tốt việc di dời và bàn giao mặt bằng.
Ông Phạm Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đức Khải (chủ đầu tư), cho biết: “Đến nay, công ty đã chi hàng trăm tỉ đồng để thực hiện việc đền bù, giải tỏa. Chỉ tính lãi suất hằng tháng thì cũng đủ... chóng mặt!”.
(Theo NLĐ)