SearchNews

Có hay không chuyện sinh viên mua nhà tiền tỷ?

28/10/2014 10:08

Từ khi Chính phủ công bố mở rộng thêm đối tượng được hỗ trợ vay vốn mua nhà ở xã hội, câu hỏi có hay không chuyện sinh viên có thể sở hữu một căn nhà mấy trăm triệu cho tới cả tỷ đồng đang được dư luận hết sức quan tâm.

Nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản (BĐS) trong thời kì khó khăn cũng như giải quyết nợ xấu cho ngành, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 61/NQ – CP nhằm sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02/NQ – CP ngày 7/1/2013. Một trong những điểm đáng chú ý của Nghị quyết là mở rộng đối tượng được vay mua nhà, trong đó có sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng và trung học. Tuy nhiên, đây lại chính là nội dung gây nhiều tranh cãi  nhất trong thời gian qua.

sở hữu được căn nhà tiền tỷ là mơ ước của hàng ngàn sinh viên.
Có thể sở hữu được căn nhà tiền tỷ là mơ ước của hàng ngàn sinh viên.
(Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: internet).

Để thực thi vấn đề này một cách hiệu quả, Chính phủ đã bổ sung thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần do Ngân hàng nhà nước Việt Nam chỉ định được tham gia cho vay hỗ trợ nhà ở.

Nhận được thông tin trên, hầu hết sinh viên đều rất vui mừng vì giấc mơ sở hữu được một ngôi nhà giữa một thành phố lớn như Hà Nội hay Sài Gòn của mình có thể được thực hiện hóa nhờ chính sách cởi mở của Chính phủ.

Bạn Kim Oanh, sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Sài Gòn chia sẻ, thời gian qua, chuyện mua được một căn nhà ở Sài Gòn đã trở thành mơ ước của nhiều hộ gia đình công chức, viên chức nhà nước. Đến nay, với sự mở rộng đối tượng cho vay vốn mua nhà ở xã hội, dường như sinh viên có cơ hội được chạm tay vào điều ước mà có lẽ chưa bao giờ các bạn dám nghĩ tới. 

Phấn khởi là vậy nhưng các bạn sinh viên đều cho rằng đây là một chính sách rất khó khả thi, bởi vì ít ai dám mạo hiểm để “đánh cược” với túi tiền và cái “chốn nương thân” đáng giá bạc tỷ cũng như “đánh cược” với chính bản thân. Chỉ những sinh viên nhận được sự “hậu thuẫn” từ phía phụ huynh thì mới có đủ khả năng để chi trả cả tỷ đồng vốn lẫn lãi trong ngần ấy năm trời.

Bạn Phan Hữu Đại, sinh viên năm cuối trường Đại học Quốc gia Tp.HCM tâm sự, hiện bạn đang đi làm thêm ở một công ty để kiếm thêm thu nhập và lấy kinh nghiệm, nhưng mức lương hàng tháng mình đạt được lại rất thấp.

Cuộc sống của sinh viên nghèo như bạn gặp không ít khó khăn. Chưa kể đến việc khi ra trường, ba mẹ sẽ không chu cấp thêm một khoản nào nữa, chuyện cơm áo gạo tiền không biết có lo nổi không, sao dám nghĩ đến chuyện mua nhà. Mà không ai dám chắc rằng, khoảng 3, 4 năm ra trường bạn có thể tìm được một việc làm ổn định, đó là chưa nói đến việc thất nghiệp dài dài.

Nếu bây giờ mạo hiểm vay vốn mua nhà thì những mấy năm tới giống như bị đeo gông vào cổ và gò lưng đi kéo cày trả nợ mà không biết có trả nổi không.

Trên thực tế, nhiều sinh viên khi tốt nghiệp, nếu không có sự hỗ trợ từ phía gia đình thì trung bình cũng phải chục năm sau mới dám nói tới chuyện gom tiền mua nhà.

Trong khoảng thời gian chục năm đó đã mất mấy năm chạy việc nọ, việc kia để tìm một môi trường phù hợp và nhận mức lương “xứng đáng” với chế độ…đang học hỏi kinh nghiệm.

Khi đã có kinh nghiệm, mức lương có thể tốt hơn nhưng với chi phí đắt đỏ như Sài Gòn, Hà Nội thì sau khi đảm bảo được chuyện cơm ăn áo mặc hàng ngày, liệu mỗi tháng mỗi người có thể tiết kiệm được bao nhiêu? Đó là chưa tính đến chuyện lập gia đình, sinh con đẻ cái, nuôi con ăn học v.v…

Trao đổi về vấn đề này, phó giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội cho rằng, chính sách hỗ trợ của nhà nước như vậy là rất tốt. Nhưng ông băn khoăn một điều là: Giả sử sinh viên đó được vay vốn mua nhà ở xã hội nhưng lại bỏ học, không được tốt nghiệp, hoặc tốt nghiệp nhưng ra trường không có việc làm thì sao? Khi đó, nhà nước sẽ đòi tiền bằng cách nào và thu hồi vốn như thế nào?

Bên cạnh đó, giáo sư cũng cảnh báo đến bất cập trong trường hợp nhiều sinh viên không có nhu cầu mua nhà ở xã hội nhưng lại đứng tên để vay vốn cho người khác, đây không phải là điều không thể xảy ra.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu