|
Vỉa hè đã không còn tại nhiều căn biệt thự của dự án. Ảnh: Hà Anh |
Sàn bê tông "hụt" 13% thép
Chị Nguyễn Thị Mai Hoa ở Định Công, Hoàng Mai đã mang "của để dành" cả gần chục tỷ đồng để mua căn biệt thự số 55 của dự án Hillstate Hà Đông và yên tâm chờ ngày nhận không gian sống mơ ước. Nhưng gần đến ngày nhận nhà thì chị mới tá hỏa vì sự xuống cấp đến bất ngờ của căn biệt thự. Cửa gỗ không xô lệch thì cong vênh, bậc tam cấp lên xuống trong tình trạng nứt toác, gờ phào che nước ở cửa sổ dù chưa sử dụng ngày nào cũng đã rơi rụng, bong tróc lả tả.
Điều đáng nói là, tình trạng này không phải chỉ xảy ra với riêng căn nhà của chị Hoa, mà còn ở nhiều căn biệt thự khác thuộc dự án. Theo khảo sát của phóng viên tại dự án, có cả hàng loạt cánh cửa gỗ đã rơi rụng đến phần chớp cửa, những bức tường nhà thì nham nhở... Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, bản vẽ hoàn công của nhiều căn biệt thự mà chủ đầu tư cung cấp hoàn toàn không đúng với thực tế thi công đã được xem xét, kiểm định hồi tháng 4/2015.
Cụ thể, số lượng thép được sử dụng ở thực tế thi công so với bảng thống kê thép mà chủ đầu tư cung cấp trên giấy tờ ở căn biệt thự số 24 thiếu đến 32 thanh thép (tương đương 45,7%); số lượng thép bị thiếu ở căn 54 là 30 thanh (42,8%). Thậm chí, khi so sánh số lượng thép trên thực tế thi công với bảng thống kê thép đã được “tính lại” của đơn vị tư vấn thiết kế thì căn 24 vẫn thiếu đến 13% và căn 54 là 12,5% thép.
Quy hoạch bị bóp méo
Không chỉ thế, khi Bộ Xây dựng tiến hành thanh tra còn phát hiện chủ đầu tư của dự án còn tự ý bóp méo quy hoạch, mật độ xây dựng so với quy hoạch được duyệt cũng bị tăng lên. Mật độ tối đa theo quyết định 1512 của UBND tỉnh Hà Tây đối với căn số 55 là 70%, nhưng chủ đầu tư đã xây lên đến 80,7%, căn số 24 tăng thêm 15,8%; căn số 37 tăng thêm 13,5%.
Trong khi đó, Quyết định 1512 của UBND tỉnh Hà Tây đã ghi rõ: Mặt cắt ngang của đường bao quanh các lô biệt thự là là 10,5m và 5,5m; vỉa hè rộng từ 2,5-4m; mặt cắt ngang của đường nội bộ là 5,5m. Nhưng khi tiến hành kiểm tra chi tiết tại đây thì đã phát hiện ra có sự vi phạm về khoảng lùi của công trình.
Cụ thể, khoảng lùi được quy định với đường có mặt cắt ngang 5,5m là 2,4m, nhưng trên thực tế xây dựng chỉ còn từ 1,4-2,23m; nhiều căn biệt thự gần như không có phần vỉa hè phía trước, một số căn nếu có vỉa hè thì chỉ còn lại rất hẹp, chỉ chừng chưa đầy 0,5m. Công tác thanh tra đã được thực hiện trong nhiều tháng nhưng vẫn chưa có kết luận chính xác về nghi vấn chủ đầu tư bán cả vỉa hè cho người mua nhà vì thanh tra Bộ Xây dựng chưa nhận được đủ hồ sơ từ Sở QHKT Hà Nội cũng như phía chủ đầu tư.
Theo thông tin được xác định từ Thanh tra Bộ Xây dựng: Hiện trạng phía trước mặt tiền bên ngoài mỗi căn biệt thự có một phần diện tích được lát gạch block có công năng sử dụng như vỉa hè. Và một số nơi đã sử dụng diện tích này để trồng cây xanh hay lắp cột camera hoặc cột đèn chiếu sáng và tủ phân phối điện. Bên cạnh đó, một số công trình hạ tầng kỹ thuật như đường cáp điện, hệ thống thông tin liên lạc hay ống nhựa xoắn đi chìm, hệ thống thoát nước thải, đường cấp nước chung…cũng được chủ đầu tư chôn dưới phần đất này.
Bộ Xây dựng đã khẳng định, người dân khiếu nại là hoàn toàn có cơ sở vì phần trước nhà đã bán cho khách hàng lại bị chủ đầu tư ngang nhiên sử dụng như diện tích chung. Sua khi thực hiện kiểm tra một số hợp đồng mua bán nhà năm 2010, kết quả là giá trị của hợp đồng mua bán mà chủ đầu tư thực hiện với khách hàng có tính cả phần diện tích trước nhà. Từ đó, thanh tra Bộ Xây dựng đã yêu cầu phía chủ đầu tư cần phải hoàn lại số tiền cho khách hàng đối với phần diện tích đất trước nhà được sử dụng như vỉa hè; hoặc phải di dời toàn bộ các công trình hạ tầng như trên khỏi diện tích đất đã bán cho khách…
Chị Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, đến nay, chủ đầu tư vẫn "án binh bất động" dù chỉ còn vài ngày nữa là hết thời hạn 60 ngày mà thanh tra yêu cầu chủ đầu tư giải quyết sự việc trên và thực hiện đúng như kết luận thanh tra. Bên cạnh đó, còn nhiều nội dung kiến nghị chưa được làm rõ, điển hình là việc xác định về phần diện tích vỉa hè trước nhà.