SearchNews

Quản lý chặt nhà công vụ

15/11/2006 08:43

Công tác quản lý nhà công vụ sẽ có những thay đổi về quản lý, đầu tư nhằm khắc phục những hạn chế, lỏng lẻo trước đây, đưa quỹ nhà này vào phục vụ tốt và hiệu quả hơn. Đây là báo cáo của Bộ Xây dựng về một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Công tác quản lý nhà công vụ sẽ có những thay đổi về quản lý, đầu tư nhằm khắc phục những hạn chế, lỏng lẻo trước đây, đưa quỹ nhà này vào phục vụ tốt và hiệu quả hơn. Đây là báo cáo của Bộ Xây dựng về một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Trước đây trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa có quy định về khái niệm nhà công vụ nên cách hiểu về nhà công vụ còn chưa được rõ ràng. Khi Luật Nhà ở và Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005 thì khái niệm về nhà công vụ mới được quy định rõ. Nhà công vụ là nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, được xây dựng để cho cán bộ, công chức, viên chức... thuê trong thời gian đảm nhiệm công tác.

Bên cạnh đó, việc quản lý nhà ở công vụ còn chưa được tập trung thống nhất. Quỹ nhà ở công vụ được hình thành do thực hiện các chính sách về nhà đất trước đây và do Nhà nước đầu tư xây dựng, giao cho từng cơ quan bố trí và trực tiếp quản lý nên công tác quản lý chưa được thống nhất từ khâu đầu tư đến khâu quản lý sử dụng. Nhà công vụ tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP HCM và do một số cơ quan Trung ương trực tiếp quản lý. Theo thống kê, tại Hà Nội, số nhà ở công vụ là biệt thự do Ban Tài chính quản trị Trung ương hiện đang trực tiếp quản lý là 14 nhà, do Văn phòng Chính phủ đang trực tiếp quản lý là 6 nhà. Ngoài ra, hai cơ quan này còn đang trực tiếp quản lý một số khu nhà ở công vụ khác. Bộ Xây dựng đã yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương báo cáo số liệu chính thức do các cơ quan, đơn vị đang quản lý trực tiếp để có số liệu cụ thể về nhà ở công vụ.

Trước đây, việc quản lý nhà ở công vụ chưa có văn bản quy phạm pháp luật riêng để điều chỉnh, do đó nhà ở công vụ được quản lý theo các quy định về quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước và các quy định về quản lý tài sản nhà nước (công sản). Một số cơ quan được giao trực tiếp quản lý nhà ở công vụ đã ban hành văn bản quy định quản lý nhà ở công vụ riêng cho từng dự án như dự án khu nhà ở công vụ khu Hoàng Cầu Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội.

Trách nhiệm phải rõ ràng

Nhằm thống nhất đưa về một đầu mối quản lý quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, trong đó có nhà ở công vụ, ngày 31/11/2005, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở và Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 90/2006/NĐ-CP.

Theo đó, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý toàn bộ quỹ nhà ở công vụ trên địa bàn, đồng thời quy định rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan có liên quan trong công tác quản lý, phát triển nhà ở. Cụ thể, Bộ Xây dựng có trách nhiệm quy định và hướng dẫn việc quản lý sử dụng nhà ở công vụ; quy định và hướng dẫn việc thiết kế nhà ở công vụ đảm bảo triển khai thống nhất trên phạm vi cả nước, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh khung giá cho thuê nhà ở công vụ. UBND cấp tỉnh phê duyệt dự án phát triển nhà ở công vụ; quyết định lựa chọn đơn vị làm chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở công vụ; sắp xếp, bố trí cho các đối tượng thuộc diện được thuê nhà ở công vụ của các cơ quan địa phương và cơ quan trung ương đóng trên địa bàn.

Ngày 3/11, Bộ Xây dựng đã đề nghị các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương báo cáo về tình hình quản lý sử dụng nhà ở công vụ, đồng thời đôn đốc thực hiện tốt các quy định của Luật Nhà ở nhằm sử dụng có hiệu quả quỹ nhà ở công vụ hiện có, lập kế hoạch đầu tư xây dựng quỹ nhà công vụ mới để phục vụ tốt hơn nhu cầu về nhà ở công vụ trong cả nước.

(Theo KT&ĐT)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu