"Không thể bỏ qua trách nhiệm của chính quyền bởi Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm thống nhất quản lý về chất lượng công trình trên địa bàn". Ông Trần Chủng, Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) nói về những sự cố sập nhà, gây thiệt hại về người thời gian qua.
- Ông đánh giá thực trạng chất lượng nhà ở của dân hiện nay như thế nào?
- Hiện nay chúng ta đã quy định tất cả công trình liên quan đến cộng đồng phải có đơn vị tư vấn độc lập đánh giá trước khi đưa vào sử dụng. Những công trình trong những dự án cụ thể liên quan đến việc buôn bán, kể cả nhà cao tầng, thấp tầng đều phải tuân thủ quy tắc là phải có người thiết kế, phải có người thi công, người giám sát đủ năng lực.
Một khi sập nhà, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư công trình; người bỏ tiền ra xây nhà phải chọn người thiết kế, thi công đủ năng lực. Ngoài ra, người mua hoàn toàn có quyền yêu cầu chủ đầu tư phải cấp cho họ chứng nhận công trình đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn sử dụng, khai thác. Khi chúng ta thực hiện nghiêm túc những vấn đề đó sẽ hạn chế được những công trình kém chất lượng.
- Nhưng trên thực tế, những khu nhà chung cư được xây dựng bán cho người dân đều không có chứng nhận chất lượng khi bàn giao nhà?
- Thông tư hướng dẫn về chứng nhận phù hợp chất lượng có hiệu lực từ tháng 8/2005, tức là mới áp dụng được một năm và áp dụng ngay cho những ngôi nhà đang xây dựng nhưng vẫn còn khó khăn khi đi vào cuộc sống. Người tiêu dùng hồ hởi, còn chủ đầu tư lại cho rằng họ phải mất thêm một khoản tiền. Sắp tới chúng tôi sẽ điều chỉnh để văn bản đó đi vào cuộc sống “nhuyễn” hơn, không chỉ để người tiêu dùng mà để cả các chủ đầu tư cũng ủng hộ.
- Những chung cư đã xây dựng từ trước khi thông tư này có hiệu lực xử lý như thế nào, nhất là với những khu tái định cư đang bị người dân kêu vì chất lượng kém?
- Những công trình đã xây dựng trước đây sẽ được tổ chức đánh giá lại thực trạng để có giải pháp khắc phục. Hiện nay do các địa phương chưa làm xuể nên sẽ phải có lộ trình xử lý những ngôi nhà được phản ảnh hư hỏng.
Bộ Xây dựng cũng đang soạn thảo thông tư hướng dẫn bảo trì công trình xây dựng, trong đó đưa ra quy tắc cứ sau 3 năm chủ quản lý khai thác phải thuê tư vấn kiểm tra, đánh giá khuyết tật đối với công trình dân dụng và cứ sau 5 năm sẽ phải “khám bệnh” lại một lần cho các nhà ở cao tầng. Nếu có khuyết tật mà chưa khắc phục thì không cho phép sử dụng công trình.
(Theo Tuổi Trẻ)