SearchNews

Thu từ đất có thể đạt 50.000 tỷ đồng

14/01/2008 14:50

Trao đổi với báo chí tuần qua, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường, Phạm Khôi Nguyên cho rằng, đất đai phải trở thành nguồn vốn lớn cho kinh tế. Nếu quản lý tốt, nguồn thu trực tiếp từ đất, ước đạt 50.000 tỷ đồng một năm.

Trao đổi với báo chí tuần qua, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường, Phạm Khôi Nguyên cho rằng, đất đai phải trở thành nguồn vốn lớn cho kinh tế. Nếu quản lý tốt, nguồn thu trực tiếp từ đất, ước đạt 50.000 tỷ đồng một năm.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, trong năm vừa rồi thu trực tiếp từ đất đai (bao gồm các loại thuế, phí, tiền thuê đất) là 26.800 tỷ đồng, chiếm khoảng 15,6% thu ngân sách nhà nước (chưa kể nguồn thu từ dầu). Nhưng Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết, nếu làm tốt công tác quản lý đất đai, thì thu trực tiếp từ đất có thể lên đến 50.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 20-25% thu ngân sách.

- Theo Bộ trưởng nguyên nhân gây nên sự thất thoát các nguồn thu từ đất đai trong thời gian qua là gì?

- Việc để các chủ đầu tư trực tiếp thỏa thuận giá đất đền bù với người dân là nguyên nhân chính gây ra sự thất thoát. Giá đất không thể chỉ tính bằng giá trị đang sử dụng, mà phải được tính cả giá trị thương mại trong tương lai. Cần phải có một cơ quan chuyên trách đứng ra làm việc này, phải tạo được nguồn "đất sạch", đất đã được giải phóng mặt bằng, để cho các chủ đầu tư đấu thầu. Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ nhận trọng trách với chính phủ về việc định giá đất, giải phóng mặt bằng, đưa "đất sạch" tham gia vào thị trường bất động sản, để đất đai thực sự là nguồn vốn đầu vào quan trọng của nền kinh tế.

- Ông cho biết những thuận lợi và khó khăn của Bộ khi nhận trách nhiệm này?

- Trước đây, việc định giá đất vẫn do Bộ Tài chính đảm nhận và đã làm tốt. Nhưng nếu để Bộ Tài nguyên Môi trường làm thì sẽ có thuận lợi hơn, vì chúng tôi là đơn vị trực tiếp về đất đai, nắm đầy đủ thông tin về đất đai, quy hoạch. Từ giá đất sẽ chỉ đạo chuyện đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư. Tất nhiên sẽ có những khó khăn, để làm tốt việc định giá và đền bù tái định cư, chúng tôi cần phải có một đội ngũ hiểu biết về kinh tế và đặc biệt là vấn đề xã hội hóa. Trong đó, vấn đề xã hội hoá là hết sức quan trọng. Nguyên nhân gây nên sự tranh chấp, khiếu kiện về đất đai trong thời gian qua chủ yếu là chưa giải quyết tốt các vấn đề xã hội, tái định cư cho người dân sau giải tỏa.

- Bộ đã có kế hoạch gì để giải quyết những khó khăn này?

- Về vấn đề quản lý đất đai, bộ sẽ hoàn thiện về tổ chức, hoạt động của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Đến nay, 64 tỉnh, thành phố trên cả nước đã thành lập văn phòng này. Sẽ phân biệt rõ đất ở và đất đưa vào thị trường mua bán. Đất được chuyển đổi hoặc tạo lập lần đầu với mục đích để ở sẽ có mức thu phí thấp. Nhưng đất đã đưa vào mua bán chuyển nhượng từ lần thứ hai trở đi sẽ áp một mức phí chuyển nhượng cao hơn, đánh vào phần lợi nhuận thu được từ việc mua bán.

Về việc giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư sẽ do Tổ chức phát triển quỹ đất đảm nhiệm. Đến nay đã có 41 trong tổng số 64 tỉnh, thành phố trong cả nước đã thành lập Tổ chức phát triển quỹ đất. Tổ chức này có nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, từ khâu định giá, đền bù, đến giải quyết vấn đề việc làm, dân sinh xã hội sau tái định cư. Nguồn thu từ đất được giải phóng sẽ được dùng để bố trí tái định cư và giải quyết vấn đề việc làm, dân sinh. Bên cạnh đó, bộ cũng sẽ cố gắng hoàn thiện về luật, thể chế, liên quan đến đất đai, để hỗ trợ cho công tác này.

- Ông cho biết lộ trình dự kiến trong việc sửa đổi, hoàn thiện Luật Đất đai?

- Luật Đất đai sẽ được sửa toàn bộ vào năm 2011-2012. Dự kiến trong năm 2008, bộ sẽ sửa đổi Luật Đất đai trên các nội dung liên quan đến việc tính giá đất đền bù; đưa đất tham gia vào thị trường bất động sản; cơ chế quản lý đất, một giấy một cửa.

Kiên Thành

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu