Tôi có 2 con trai và 1 con gái. Trong đó, người con cả tình duyên lận đận, vợ chồng ly hôn để lại con cho tôi nuôi. Hai đứa còn lại đều có cuộc sống sung túc.
Hiện tại, tôi muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho thằng bé thiệt thòi này song cả con gái lẫn con trai tôi đều phản đối. Chúng cho rằng, đất đai tổ tiên để lại phải chia đều cho các con trước, sau đó mới tới lượt cháu.
Chồng tôi đã mất cách đây 10 năm, tôi đứng tên mảnh đất. Vậy xin hỏi luật sư, để chia thừa kế cho cháu nội, nhất thiết tôi phải được sự đồng ý của các con? Thủ tục cụ thể ra sao?
Trân trọng cảm ơn!
(Minh Lý)
|
Tài sản chung của vợ chồng được quy định tại Điều 33, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Trả lời:
Tài sản chung của vợ chồng được quy định tại Điều 33, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Cụ thể như sau:
"1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung."
Theo quy định tại Luật này, vợ chồng có quyền ngang nhau trong việc định đoạt, sử dụng, chiếm hữu tài sản chung. Thế nên, trong thời gian hôn nhân, thậm chí khi chồng/vợ đã qua đời thì mỗi bên chỉ được định đoạt phần tài sản của mình (một nửa tài sản chung) trong khối tài sản chung của vợ chồng.
Vì bạn không cung cấp thông tin về nguồn gốc thửa đất nên luật sư chia thành 3 trường hợp sau đây:
Thứ nhất, trường hợp thửa đất là tài sản chung của vợ chồng: Bạn chỉ được định đoạn 1/2 giá trị thửa đất. Phần còn lại là di sản thừa kế của chồng bạn và được chia đều cho hàng thừa kế thứ nhất (mẹ, cha, vợ, con của anh ấy) nếu chồng bạn không có di chúc để lại. Do đó, để tặng thửa đất cho cháu nội, bạn cần các con đồng ý đối với phần tài sản mà họ được thừa kế.
Thứ hai, trường hợp thửa đất là tải sản chung vợ chồng song gia đình bạn đã thực hiện thủ tục khai nhận thừa kế, thống nhất để bạn đứng tên duy nhất đối với thửa đất. Có nghĩa là, cha mẹ chồng và các con của bạn từ chối hưởng thừa kế của chồng bạn để lại, đồng ý chuyển nhượng lại cho bạn. Theo đó, bạn có toàn quyền định đoạt thửa đất theo ý mình.
Thứ ba, trường hợp bạn tạo lập thửa đất sau khi chồng qua đời. Chiếu theo quy định tại Điều 33, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, thửa đất là tài sản của riêng bạn. Vì vậy, bạn có toàn quyền định đoạt mà không cần các con đồng ý.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
(Công ty luật Bảo An, Hà Nội)