Với những căn nhà ống có ít mặt thoáng thì giếng trời được xem là giải pháp kiến trúc hiệu quả và phổ biến. Khu vực thông tầng này vừa có vai trò mang ánh sáng tự nhiên, vừa giúp lưu thông khí trong nhà. Tuy nhiên, khi thiết kế giếng trời, gia chủ cần lưu ý dưới đây để tránh phản tác dụng.
1. Tường giếng trời phẳng nhẵn khiến âm thanh vang vọng
Giếng trời có bản chất là một cái ống nên âm thanh truyền trong giếng trời rất rõ và vang. Khi đó, người ngồi tầng trên có thể nghe thấy những gì người ngồi tầng dưới nói chuyện, điều này làm mất đi sự riêng tư và gây khó chịu cho người khác. Để hạn chế tình trạng này, khi thiết kế giếng trời, không nên làm trơn, phẳng tất cả các mặt giếng trời. Nên để nhám, sần một số mảng tường bằng cách dùng ốp đá tự nhiên, để gạch trần, gạch thẻ, dùng sơn gai... nhằm tiêu âm. Cách làm này cũng là một thủ pháp trang trí giúp khu vực thông tầng nhà bạn thêm ấn tượng hơn.
|
Dù giếng trời đem lại nhiều lợi ích cho nhà ống nhưng cần cẩn trọng khi thiết kế để tránh những tác hại không ngờ sau này. |
2. Mái che giếng trời quá móng khiến nắng gắt làm hỏng đồ đạc
Ở nhiều khu vực, nắng mùa hè rất khắc nghiệt, đặc biệt là vào buổi trưa khi mặt trời chiếu thắng xuống giếng trời, sẽ gây chói lóa, dư thừa ánh sáng. Nếu mái che quá mỏng, không đủ ngăn cản lượng nhiệt này thì sẽ khiến cầu thang, đồ đạc hay sàn gỗ ở khu vực này bị phai màu sơn, hư hỏng. Để khắc phục tình trạng này, chủ nhà cần lắp đặt thêm hệ thống rèm dưới mái giếng trời để che nắng khi cần thiết (Xem thêm: Cửa mái giếng trời và cách thiết kế chuẩn phong thủy)
|
Thiết kế thêm mái che giúp giếng trời tối ưu hơn - Ảnh minh họa |
3. Thiết kế giếng trời với lan can quá thấp và thưa
Khu thông tầng có chiều sâu hun hút, thông giữa các tầng với nhau nên gia chủ cần đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn khi làm phần ngăn cách với giếng trời. Nếu sử dụng lan can, cần đảm bảo chiều cao hợp lý và khoảng cách khe hở. Đặc biệt với gia đình có trẻ nhỏ, cần đảm bảo chiều cao và khoảng cách khe hở sao cho trẻ không thể trèo qua hoặc chui qua phần ngăn cách này.
4. Không làm hệ thống thoát nước đối với giếng trời không có mái che
Nhiều gia đình không làm mái che bên trên thông tầng để đón được tối đa gió mát và mưa tưới cho khu vực trồng cây phía dưới. Thiết kế này cho phép ngôi nhà gần gũi với thiên nhiên và cây cối cũng xanh tốt hơn. Tuy nhiên, gia chủ cần lưu ý thiết kế hệ thống thoát nước tốt. Phần sàn phải đủ rộng và khu vực xung quanh phải được che chắn cẩn thận, đảm bảo nước mưa không bắn hoặc ngấm vào khu vực sinh hoạt.
|
Đối với giếng trời không có mái che, việc xây dựng thêm đường ống thoát nước là rất cần thiết - Ảnh minh họa |
5. Hệ thống cây cảnh, đèn trên tường khó chăm sóc, bảo dưỡng
Nhiều gia đình đầu tư hệ thống chiếu sáng, cây cảnh trên tường trong khu vực giếng trời khá xa tầm với. Điều nãy khiến gia chủ gặp khó khăn khi bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống chiếu sáng hoặc chăm sóc cây cảnh (Xem thêm: Cách chọn loại cây trồng ở giếng trời trong nhà)
6. Treo đèn chùm, vật trang trí to nặng
Nếu khu vực dưới giếng trời là không gian sinh hoạt, nơi thường xuyên qua lại thì bạn không nên treo những vật to nặng như đèn chùm, chậu cây hay vật trang trí to nặng phía trên vì có thể gây nguy hiểm cho người phía dưới.