Theo Thủ tướng Yatsenyuk, Ukraine hiện có rất nhiều diện tích đất công không được khai thác hiệu quả, hoặc bị khai thác trái phép mà chính quyền địa phương không kiểm soát nổi.
Do đó, ông đề xuẩ rao bán đất công dưới hình thức đấu giá để lấy tiền thu ngân sách. Theo ông, đó cũng là một bước trong tiến trình cải cách luật pháp về đất đai. Ông cho rằng nên rao bán thí điểm 1 triệu ha đất công.
Nhiều ý kiến lo ngại đất nông nghiệp ở Ukraine sẽ bị thu hết vào tay các đại gia
nếu chính phủ cho bán đất, ảnh: AFP
Ý kiến này nhanh chóng gây băn khoăn cho công chúng và giới truyền thông vì Thủ tướng Yatsenyuk không nói rõ sẽ bán đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng tự nhiên hay đất thổ cư.
Trước đó, Chính phủ Ukraine đã kiến nghị thành lập thị trường tự do về mua bán đất đai từ năm 2004 nhưng đã bị Quốc hội và công luận phản đối.
Người dân sản xuất nông nghiệp lo ngại, đất nông nghiệp sẽ rơi vào tay các đại gia và họ sẽ trở thành người làm thuê trên chính mảnh đất ông cha để lại. Quốc hội lúc đó đã thông qua điều luật cấm mua bán đất, có hiệu lực đến trước ngày 1/1/2017.
Nhiều đảng phái chính trị tại Ukraine đã phản đối quyết liệt đề nghị này của Thủ tướng Yatsenyuk. Phát biểu tại cuộc họp do đảng Batkivshchyna (Tổ quốc) tổ chức vào ngày 29/2, bà Tymoshenko (cựu thủ tướng Ukraine) – nhà lãnh đạo đảng này cho biết: “Ukraine có 42 triệu ha đất nông nghiệp màu mỡ, có thể sản xuất lương thực không chỉ đủ ăn cho người dân trong nước mà còn có thể trợ giúp các quốc gia láng giềng nếu cần. Thế những giá đất tại Ukraine hiện thấp hơn 32 lần so với mức trung bình của EU: chỉ 500 USD/ha so với 16.000 USD/ha ở EU. Đặc biệt, cho đến nay, Ukraine vẫn chưa có khung pháp lý phù hợp luật pháp quốc tế về mua bán đất”.
Các đảng phái khác cũng bày tỏ quan ngại việc rao bán đất sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm vì các cá nhân hay tổ chức nước ngoài sẽ “xâm lấn” Ukraine qua hình thức mua đất.