SearchNews

Vì sao người Trung Quốc rải tiền gom bất động sản khắp toàn cầu?

02/06/2020 08:04

Những năm gần đây, người Trung Quốc đã trở thành nhóm khách hàng nổi bật nhất trên thị trường bất động sản khắp toàn cầu. Từ các nước láng giềng đến những miền đất xa xôi ở nửa kia Trái Đất, đâu đâu cũng ghi nhận làn sóng người Trung Quốc đầu tư nhà đất. Vậy đâu là những yếu tố tạo nên niềm đam mê bất động sản xuyên biên giới của người dân nước này?

Là đất nước đông dân nhất thế giới với dân số gần 1,4 tỷ người, Trung Quốc luôn ghi nhận nhu cầu sử dụng các nguồn lực tài nguyên và sản phẩm tiêu dùng ở mức rất cao. Bất động sản cũng không phải ngoại lệ. Trên thực tế, thị trường bất động sản Trung Quốc là một trong những thị trường lớn nhất thế giới, thậm chí còn lớn hơn nữa nếu tính cả Hồng Kông. Sở hữu bất động sản là nhu cầu đã tồn tại từ lâu, được ưu tiên cao trong tâm trí người Trung Quốc do những ảnh hưởng về văn hóa, tư tưởng truyền thống cũng như chính sách quản lý của chính phủ. Khi thị trường trong nước là không đủ với người dân Trung Quốc, họ bắt đầu nhìn xa hơn, tìm kiếm những khoản đầu tư xuyên biên giới và trở thành nhóm khách hàng nổi bật nhất thị trường toàn cầu. Cùng lý giải nguyên nhân vì sao người Trung Quốc lại đam mê bất động sản nước ngoài đến vậy ở bài viết dưới đây.

hình ảnh mô hình ngôi nhà bằng gỗ trên tiền nhân dân tệ
Những năm gần đây, người Trung Quốc trở thành nhóm khách hàng nổi bật nhất thị trường bất động sản toàn cầu do không ngừng đổ tiền mua nhà đất khắp nơi. 

Chênh lệch giá

Từ năm 2005 đến 2009, giá trung bình của bất động sản ở Trung Quốc đại lục đã tăng lên gấp 3 lần. Đến năm 2011, giá mới bắt đầu ghi nhận xu hướng giảm. Nhiều người tin rằng nguyên nhân bong bóng bất động sản vỡ là do tầng lớp trung lưu không đủ khả năng mua nhà ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải. Những năm sau đó, giá nhà đất lại leo thang chóng mặt, thị trường được cho là đã bão hòa, mức độ quan tâm của người dân đối với bất động sản trong nước giảm dần. Họ bắt đầu tìm kiếm các khoản đầu tư ở nước ngoài. 

Chỉ riêng trong năm 2015, dân Trung Quốc đã chi hơn 28 triệu USD để sở hữu nhà đất ở Mỹ. Trong khi đó, ở Australia, tổng giá trị các khoản đầu tư vào bất động sản thương mại và nhà ở dưới tên người Trung Quốc cũng đạt 32 tỷ AUD. Ngoài các thị trường lớn, nhà đầu tư Trung Quốc cũng đổ tiền vào các thị trường mới nổi như Philippines, Thái Lan và Indonesia – những nơi có mức giá cơ sở thấp hơn, hứa hẹn lợi nhuận cao hơn. 

Chính sách hạn chế của chính phủ

Hầu hết các vùng đất ở Trung Quốc đều thuộc sở hữu của nhà nước. Theo luật bất động sản nước này, mọi người có quyền sử dụng nhưng không được sở hữu đất đai trong nước. Thông thường, công dân được trao quyền sử dụng một khu đất lên tới 70 năm cho mục đích cư trú và 40-50 năm đối với mục đích thương mại và công nghiệp. 

Dưới ảnh hưởng của tư tưởng truyền thống, đa số người Trung Quốc luôn muốn để lại tài sản cho con cháu. Do vậy, nếu chỉ được sở hữu tài sản trong một khoảng thời gian, đó không phải là một khoản đầu tư lý tưởng. Để tạo dựng nền tảng giàu có cho các thế hệ tương lai, dân Trung Quốc tìm kiếm những bất động sản có thể sở hữu vĩnh viễn. Do vậy, họ bị hấp dẫn bởi những quốc gia có luật sở hữu bất động sản nhẹ nhàng hơn như ở Pháp, Italia và Australia.

Đa dạng lựa chọn

Trung Quốc là một đất nước rộng lớn với diện tích xếp thứ 4 trên thế giới, sau Nga, Mỹ và Canada. Tuy vậy, thị trường bất động sản trong nước vẫn là không đủ đối với một bộ phận nhà đầu tư Trung Quốc. Những lý do như luật pháp và quy định nghiêm ngặt, các loại hình bất động sản khá hạn chế và giá cả đắt đỏ, kém linh hoạt khiến nhiều người Trung Quốc từ chối các dịch vụ bất động sản của nước họ.

Trong khi đó, sở hữu bất động sản ở nước ngoài là một cách khá hiệu quả để đa dạng hóa đầu tư. Mỗi quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế và các yếu tố ảnh hưởng khác nhau, do vậy lợi suất cho thuê hay lợi tức đầu tư (ROI) cũng khác nhau. Có rất nhiều lựa chọn ở nước ngoài phù hợp với mong muốn của bất kỳ nhà đầu tư bất động sản nào ở Trung Quốc. Thị trường tại các quốc gia đang phát triển có thể mang lại lợi nhuận tốt hơn so với các quốc gia phát triển, tức là giá rẻ hơn đáng kể và nhưng tốc độ tăng trưởng lại cao hơn. 

Ví dụ, tại Đông Nam Á, các quốc gia có lợi suất cho thuê hàng đầu hứa hẹn lợi suất lên tới 8%, cao hơn hẳn mức 1,5% của Thượng Hải năm 2017. Tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia là một trong những yếu tố lớn nhất quyết định lợi nhuận của đầu tư nói chung, đầu tư bất động sản nói riêng. Những con số này thu hút nhiều nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc, khiến họ không ngừng săn tìm nhà đất ở nước ngoài.

Thay đổi môi trường sống

Một trong những lý do rõ ràng nhất khiến người Trung Quốc mua bất động sản ở nước ngoài là họ có kế hoạch rời khỏi đất nước. Lý do của việc di cư khá đa dạng, trong đó, thay đổi để hướng tới môi trường  sống tốt hơn được cho là một nguyên nhân khá phổ biến. Ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn ở Trung Quốc là một vấn đề nghiêm trọng, khiến người Trung Quốc lo lắng cho sức khỏe, an toàn của bản thân và gia đình.

hình ảnh xe cộ, các tòa nhà cao tầng, cảnh thành phố mờ ảo vì khói bụi ô nhiễm
Tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng ở Trung Quốc khiến nhiều người lo ngại, mong muốn tìm đến một môi trường sống an toàn hơn ở nước ngoài.

Ngoài ra, mức sống cũng là một vấn đề được dân Trung Quốc quan tâm. Các gia đình có địa vị trong xã hội thích cho con theo học các trường danh tiếng ở nước ngoài. Điều này chủ yếu nhằm đảm bảo tương lai của con cái, hay trong một số trường hợp là chính họ. Con cái ra nước ngoài học, tạo lập sự nghiệp và nền tảng xã hội để rồi chính các phụ huynh cũng di cư theo con. Tương tự, những người thuộc tầng lớp trí thức như các kỹ sư, chuyên gia cũng chọn theo đuổi sự nghiệp ở các nước phát triển để có cơ hội tốt hơn. Với các doanh nhân, thành lập công ty khởi nghiệp ở các quốc gia ít cạnh tranh và thị trường lành mạnh hơn cũng mang lại cơ hội thành công cao hơn.

Địa vị xã hội

Đối với người Trung Quốc, có một vị thế xã hội tốt mang lại cho họ cảm giác về thành tích và tâm lý an tâm rằng mình sẽ thành công hơn trong tương lai. Và một trong những yếu tố làm nên vị thế xã hội của một người chính là sở hữu bất động sản. Có càng nhiều nhà đất, người Trung Quốc càng được coi là giàu có, thuộc tầng lớp trên trong xã hội.  

Tuy nhiên, việc chính quyền Trung Quốc giới hạn quyền sở hữu bất động sản của công dân khiến giới nhà giàu nước này phải khẳng định sự giàu có của mình thông qua việc mua bất động sản ở nước ngoài. Thực tế cho thấy, người Trung Quốc đã trở thành nhóm khách hàng nổi bật, chi tiêu mạnh tay nhất cho bất động sản khắp thế giới, thậm chí lấn lướt dân địa phương. 

Dự kiến đến cuối năm nay, giá trị giao dịch bất động sản ở nước ngoài của người Trung Quốc sẽ đạt 220 tỷ USD. Họ chi tiền gom nhà đất khắp nhưng nhiều khi chỉ bỏ trống, không ở, khiến người dân bản địa cảm thấy khó chịu, ác cảm. Tại nhiều nơi ở Canada và Australia, nhiều cuộc biểu tình phản đối người Trung Quốc mua nhà đất đã diễn ra, khiến chính quyền địa phương đau đầu tìm cách giải quyết.

 

Hương Liên

>> Trung Quốc có 10 thương hiệu địa ốc lớn nhất thế giới

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu