|
Đoạn đường cong mềm mại hình thành nút thắt cổ chai vẫn chưa được giải phóng được mặt bằng sau 20 năm. Ảnh:Hùng Thập
|
Đường Nguyễn Hữu Thọ (thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội) có chiều dài hơn 1km, nối từ đường Giải Phóng dẫn đến khu đô thị bán đảo Linh Đàm. Từ năm 1994, dự án đã có quyết định thu hồi đất và khởi công năm 1997. Tuy vậy, đến hiện tại, sau 20 năm, nơi đây trở thành nút thắt cổ chai và được gọi với cái tên "đường cong mềm mại" do vẫn còn 200m đường ở điểm đầu giáp với đường Giải Phóng chưa được giải phóng mặt bằng.
Ngày ngày, trên đoạn đường 200m này, tình trạng ùn ứ giao thông vẫn thường xuyên xảy ra. Người dân khu vực phường Hoàng Liệt đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền về việc sớm hoàn thiện đường Nguyễn Hữu Thọ, tuy nhiên, sau nhiều năm vẫn không có kết quả.
|
Tuyến đường này thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc. Ảnh: Hùng Thập
|
Khi được hỏi về việc không giải póng được mặt bằng 200m đường sau 20 năm, đại diện ban giải phóng mặt bằng quận Hoàng Mai thông tin, dù quận đã áp dụng phương án hỗ trợ, bồi thường theo đúng quy định chung của thành phố nhưng những hộ dân nơi đây vẫn không đồng thuận với phương án được đưa ra.
Vị này cũng cho biết thêm, hiện vẫn còn 5 hộ với gần 4.000m2 đất chưa được giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công. Quận cũng đã xin ý kiến thành phố để đưa ra được các phương án đặc thù giải quyết vấn đề này theo hướng gia tăng hỗ trợ, tuy nhiên các hộ dân vẫn chưa đồng tình.
|
Vị trí đoạn đường cong Nguyễn Hữu Thọ vẫn chưa giải phóng được mặt bằng sau 20 năm.
|
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có văn bản trả lời cử tri quận Hoàng Mai với nội dung sẽ giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố và Sở Giao thông nghiên cứu, lập dự án toàn bộ đoạn tuyến Nguyễn Hữu Thọ.
Trước đó, nhằm chấm dứt tình trạng ùn ứ giao thông tại nút giao Nguyễn Hữu Thọ với đường Giải Phóng và khu vực Linh Đàm, Sở Giao thông đã đề xuất thành phố cho phép được tổ chức khảo sát, nghiên cứu lập đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng đoạn tuyến đường vành đai 3 đi bằng cầu vượt qua hồ Linh Đàm và nhánh kết nối với đường vành đai 3 với kinh phí dự kiến khoảng 450 tỷ đồng.
|
Sở Giao thông đề xuất xây dựng cầu vượt qua bán đảo dưới cầu Vành đai 3. Ảnh: Bá Đô
|