Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng xây dựng một Thông tư riêng hướng dẫn thực hiện những nội dung đặc thù cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Theo Bộ Tài chính, việc huy động vốn từ khu vực tư là rất cần thiết trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng tăng (những năm 2016-2020 chỉ chiếm khoảng 21-22% tổng vốn đầu tư toàn xã hội). Vậy nên, cơ chế PPP đang là một giải pháp khả thi cần thúc đẩy.
Vậy nhưng, thực tế cho thấy, các chính sách liên quan đến cơ chế đầu tư các dự án PPP còn gây nhiều khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư. Do đó, Bộ Tài chính đang xây dựng Thông tư mới để thay thế cho Thông tư 55. Hiện tại, thông tư mới đã được công bố rộng rãi để lấy ý kiến.
|
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, quy định khống chế lãi suất tại các dự án PPP có thể được hủy bỏ. |
Cụ thể, điểm thứ nhất tại dự thảo thông tư mới là đã bổ sung các nguồn thu - chi theo thông lệ quốc tế đối với các dự án PPP mà trước đây chưa quy định. Ví dụ như các khoản chi liên quan đến huy động vốn ngoài khoản lãi suất thông thường (chi phí bảo lãnh, cam kết, bảo hiểm tín dụng, môi giới), các nguồn thu bổ sung ngoài khoản thu chính từ phí/giá dịch vụ (thu quảng cáo, thu từ các hoạt động tài chính, lãi tiền gửi...).
Điểm thứ hai là dự thảo của Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định khống chế mức lãi suất tính toán trong phương án tài chính của các dự án PPP; để thị trường quyết định mức lãi suất; nhà đầu tư tự quyết huy động nguồn vốn với mức lãi suất hợp lý đảm bảo tính cạnh tranh để có thể đấu thầu chứ Nhà nước không can thiệp.
Đây là một trong những nội dung được cho là thay đổi cơ bản, phản ánh đúng nguyên tắc thị trường và chi phí thực tế của dự án. Mức lãi suất vốn vay trong Hợp đồng dự án sẽ được được xác định trên cơ sở hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư được lựa chọn. Đối với những trường hợp chỉ định nhà đầu tư, mức lãi suất trong hợp đồng dự án sẽ do cấp có thẩm quyền cho phép chỉ định nhà đầu tư sẽ chịu trách nhiệm quyết định.
Điểm thứ ba của thông tư mới là khẳng định rõ lợi nhuận của nhà đầu tư cũng được hình thành theo nguyên tắc thị trường, thông qua đấu thầu giữa các nhà đầu tư; trong trường hợp cần thiết, các Bộ, ngành ban hành khung làm cơ sở đấu thầu.
Trong khi đó, quy định bổ sung lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được tính từ thời điểm dự án được cấp có thẩm quyền cho phép đi vào vận hành, khai thác để thống nhất trong áp dụng, tính toán.
Điểm thứ tư tại thông tư này là sửa đổi quy định về Hồ sơ thanh toán vốn đầu tư của Nhà nước hỗ trợ dự án theo hướng đơn giản hóa tối đa với trách nhiệm chính và duy nhất trong xác định giá trị khối lượng nhà đầu tư hoàn thành, việc đáp ứng các điều kiện giải ngân phần vốn nhà nước theo quy định là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điểm thứ năm là dự thảo bổ sung hướng dẫn một số nội dung hoàn toàn mới như lập kế hoạch đối với phần vốn thanh toán cho nhà đầu tư sử dụng nguồn chi thường xuyên, nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ công hoặc xác định giá trị tài sản công tham gia trong dự án PPP.
Bộ Tài chính nhận định, việc sửa đổi một số nội dung cơ bản nói trên nhằm mục đích tách bạch rõ ràng chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước và quyền tự quyết trong tổ chức kinh doanh của nhà đầu tư. Qua đó, tạo điều kiện thông thoáng hơn cho cả phía cơ quan nhà nước và nhà đầu tư trong triển khai các nội dung liên quan đến tài chính của dự án PPP.
Cũng theo Bộ Tài chính: "Đây sẽ là cơ sở tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trong thời gian tới".