Luật sư Bùi Sinh Quyền, Trưởng văn phòng Luật sư Phúc Thọ chỉ ra rằng, đất đai và quyền sử dụng đất không phải là hàng hoá hay dịch vụ. Theo Điều 2 của Luật Thuế giá trị gia tăng, loại thuế này “tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng” vì thế, việc đánh thuế giá trị gia tăng đối với chuyển quyền sử dụng đất sẽ không đúng với bản chất của loại thuế này.
Ông Quyền cho biết thêm: "Việc đánh thuế giá trị gia tăng đối với chuyển quyền sử dụng đất có thể làm tăng giá đất đai, làm ảnh hưởng không tốt đến quyền tiếp cận chỗ ở của người dân, quyền tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp".
Ông lấy ví dụ, một mảnh đất có giá bán khoảng 2 tỷ đồng. Nếu đánh thuế VAT, khi chuyển nhượng đất, người dân sẽ phải nộp khoảng 200 triệu đồng, trong khi "lời lãi" cũng chỉ vài chục triệu đồng. Như vậy rất vô lý và cũng không chắc đã ngăn được nạn đầu cơ.
Nhiều chuyên gia phản đối đề xuất đánh thuế VAT chuyển nhượng BĐS
Bên cạnh đó, ông Quyền cũng cho rằng, nếu chỉ những tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS phải nộp khoản thuế này thì sẽ gây ra sự bất bình đẳng về thuế khi mà những tổ chức, cá nhân khác không phải nộp. Hơn nữa, điều đó sẽ càng làm gia tăng những nhà đầu tư cá nhân dù không đăng ký kinh doanh BĐS nhưng vẫn mua đi bán lại BĐS để thu lợi. Bên cạnh đó, nếu yêu cầu cả những tổ chức, cá nhân mua bán BĐS quy mô nhỏ, không thường xuyên (không kinh doanh) cũng phải nộp thuế VAT thì sẽ gây khó khăn trong công tác lưu trữ hoá đơn, khấu trừ thuế, hoàn thuế bởi thời điểm mua và thời điểm bán BĐS có thể cách nhau tới vài năm.
Cùng chung quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM lo ngại điều này sẽ dẫn tới tình trạng thuế chồng thuế. Ông Châu cho rằng, theo quy định hiện hành, chuyển quyền sử dụng đất không thuộc đối tượng chịu thuế VAT là phù hợp với thực tế, rất có lý, có tình, đặc biệt trong trường hợp chuyển nhượng nhà ở gắn liền với chuyển quyền sử dụng đất.
Ông Châu phân tích: Tiền sử dụng đất dự án nhà ở được xem là một khoản thu ngân sách nhà nước mà chủ dự án đã nộp tương tự như một khoản thuế. Theo theo quy định tại khoản 6, điều 5, Luật Thuế VAT, khi bán nhà ở kèm theo chuyển quyền sử dụng đất thì chủ dự án không phải nộp thuế VAT (tức là người mua nhà không phải trả thêm khoản thuế này). Tuy nhiên, dự thảo luật dự kiến áp dụng thuế VAT khi chuyển quyền sử dụng đất sẽ dẫn đến tình trạng “thuế chồng thuế”, có thể làm tăng giá bán nhà mà người mua chính làg người gánh cuối cùng. Vì thế, tôi kiến nghị không áp dụng thuế VAT khi chuyển quyền sử dụng đất.
Ông Châu cũng đã gửi kiến nghị lên Bộ Tài Chính về việc không áp dụng thuế VAT khi chuyển nhượng BĐS.
Trong bản dự thảo sửa đổi Luật Thuế GTGT, Bộ Tài chính đề nghị bỏ quy định "chuyển quyền sử dụng đất không chịu VAT" sang mức thuế suất thông thường 10%. Theo đó, người dân sẽ phải chịu thêm 10% VAT khi sang tên sổ đỏ theo diện mua bán. Như vậy, nếu áp cả VAT khi chuyển quyền sử dụng đất, mỗi giao dịch bán nhà sẽ chịu thêm 10-15% chi phí. |