SearchNews

Chồng chéo khó khăn trong cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ

09/10/2017 13:40

Những chồng chéo trong các quy định về cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ khiến công tác này vẫn rơi vào bế tắc.

Cần nhanh chóng cải tạo, xây dựng mới chung cư đã cũ

Đó là chủ trương đã được Chính phủ, lãnh đạo TP. Hà Nội xác định xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo, nới lỏng các chính sách về công tác cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ.
Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, TP hiện có gần 1.300 chung cư cũ tại 76 khu và 306 khu chung cư độc lập. Những chung cư này có quy mô từ 2 đến 5 tầng. Các chung cư, khu tập thể cũ tại thủ đô chủ yếu được xây dựng từ trước những năm 1980. Những khu này có nguy cơ sắp sập hoặc rơi vào “báo động đỏ”. Có thể kể đến là khu Giảng Võ, Thành Công, Trung Tự, Nguyễn Công Trứ...
Những khu chung cư này đều đã quá niên hạn sử dụng, nhiều chung cư đã lún nghiêng, nứt vỡ bê tông ở mức độ báo động, theo đó tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm đối với những người dân sinh sống tại đây và những hộ dân sinh sống, buôn bán xung quanh. Khảo sát thực tế cho thấy, Hà Nội hiện có rất nhiều chung cư được xếp vào loại D là loại xuống cấp đặc biệt nghiêm trọng, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.
Thời gian qua, Hà Nội xảy ra không ít những vụ việc liên quan đến các công trình xây dựng lâu đời, cũ nát. Vụ sập nhà cổ tại 107 Trần Hưng Đạo vào trưa ngày 22/9/2015 làm 8 người thương vong là một ví dụ.
Khu tập thể Thành Công nằm tại quận Ba Đình – Hà Nội là một trong những khu tập thể được đánh giá có mức độ nguy hiểm cao nhất, nhất là tòa nhà G6A gồm 3 đơn nguyên. Khu này xây gạch cao 5 tầng. Đơn nguyên 1 và 2 có mức độ nguy hiểm loại D, được xây dựng từ những năm 1960 - 1970. Khu này gồm 67 dãy nhà nằm bên hồ Thành Công.
UBND TP. Hà Nội thực tế đã có công văn số 5621/UBND-ĐT về chủ trương cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ trên địa bàn TP. Khu tập thể Thành Công theo đó được giao cho CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng (Vihajico) thực hiện lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 toàn Khu tập thể Thành Công, với quy mô diện tích đất khoảng 23,058ha, số lượng nhà chung cư cũ là 67 nhà cao 2 đến 5 tầng
Một người dân đang sinh sống tại tòa G6 cho biết, người dân ở đây đều muốn xây lại tòa này từ rất lâu rồi vì sợ nhà sập. Nhưng người dân lại có nguyện vọng tái định cư luôn tại đây vì đã quen sống mấy chục năm, đi chỗ khác không quen.

Nhiều vướng mắc 

Thực tế, ngày 5/8/2005, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết số 07/2005/NQ-HĐND về việc cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, xuống cấp trên địa bàn TP. Hà Nội. Song, đã hơn 10 năm từ khi UBND TP. Hà Nội có chủ trương nâng cấp, cải tạo, hiện mới chỉ có gần 2% các khu chung cư cũ được nâng cấp, cải tạo lại.
Ngày 4/4/2016, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký quyết định số 11/2016/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử. Quyết định này có nhiều đổi mới có lợi cho doanh nghiệp.
Theo đó, khu vực nội thành có mật độ dân số cao từng bị giới hạn dưới 20 tầng như Giảng Võ, Láng Hạ, Văn Cao, Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn thì hiện nay sẽ được xây 24 - 27 tầng phụ thuộc từng đoạn tuyến. Các tuyến phố chính gồm Hào Nam, Hoàng Cầu, Yên Lãng, Lò Đúc, Chùa Bộc, Thái Hà, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, xung quanh hồ Thành Công sẽ được xây tối đa 24 tầng…
Tuy vậy, quyết định trên lại nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia trong ngành xây dựng, kiến trúc ngay sau khi ban hành. Nhiều chuyên gia cho rằng, quy chế ban hành trên sẽ làm phá vỡ quy hoạch, bức tranh đô thị sẽ trở lên lộn xộn, gây áp lực lên hệ thống hạ tầng khu vực.
Công tác cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội đang vướng phải quá nhiều khó khăn
Công tác cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội đang vướng phải quá nhiều khó khăn
Vừa qua, trong phương án quy hoạch được các DN nộp về Sở Quy hoạch - Kiến trúc, tất cả những vị trí đắc địa đều được các DN đề xuất chiều cao và quy mô vượt xa so với Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử ban hành 2016.
Theo đó, khu tập thể Kim Liên tại quận Đống Đa được đề xuất chiều cao tối đa 40 tầng với quy hoạch dân số gần 30.000 người. Trong khi đó, Quy chế vừa ban hành chỉ chho phép khu vực này xây tối đa 24 tầng với quy hoạch dân số 15.000 người. Khu tập thể Thành Công tại quận Ba Đình được CTCP Đầu tư phát triển đô thị Việt Hưng đề xuất ý tưởng chiều cao tối đa 34 tầng với quy mô dân số gần 21.000 người. Con số này cũng vượt xa quy định nêu trong quy chế là tối đa 24 tầng và dân cư 13.500 người. Khu tập thể Giảng Võ cũng được đề xuất chiều cao tối đa là 50 tầng trong khi theo quy chế quản lý, chiều cao chỉ được tối đa 21 tầng.
Tương tự vậy, khu tập thể Ngọc Khánh tại quận Ba Đình được quy định xây dựng cao tối đa 21 tầng với quy mô dân số là 17.800 người nhưng lại được DN đề xuất ý tưởng xây cao tối đa 48 tầng với quy mô dân số gần 27.000 người. Khu tập thể Nam Đồng tại quận Đống Đa đề xuất ý tưởng chiều cao phù hợp với quy chế quản lý là xây tối đa 24 tầng song quy mô dân số lại vượt quá đến 3.000 người so với quy chế.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu