Cụ thể, theo ông Hùng, các dự án nhà cao tầng khu vực nội đô lịch sử Hà Nội chỉ nên bán cho người có hộ khẩu thường trú tại phường, quận nơi công trình tọa lạc, đặc biệt là phục vụ việc di dân phố cổ.
Lãnh đạo Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, Hà Nội sẽ không đạt được mục tiêu giảm dân số tại khu vực nội đô lịch sử nếu các dự án nhà cao tầng nội đô lại "chào đón" người ngoại tỉnh. Trong khi đó, TP lại muốn giãn dân phố cổ ra Gia Lâm, Long Biên.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, ông Trần Ngọc Chính cũng hoài nghi về sự thành công của công tác kiểm soát gia tăng dân số cơ học cũng như mục tiêu giảm dân số nội đô xuống còn 0,8 triệu dân từ 1,2 triệu dân.
Vậy nhưng, ông Chính không tán thành đề xuất chỉ bán nhà cao tầng khu vực nội đô cho người có hộ khẩu thường trú tại phường, quận có dự án. Vị này phân tích, các tòa nhà cao tầng nội đô đã có phần diện tích ưu tiên cho tái định cư tại chỗ phục vụ người dân sở tại. Thế nên, nếu quy định không bán phần diện tích thương mại dự án cho người ngoại tỉnh sẽ vi phạm Luật Cư trú.
|
Phố Hàng Đào (khu phố cổ) là khu vực bị giám sát, quản lý về chiều cao xây dựng công trình. (Ảnh: Nam Trần) |
Ông Nguyễn Huy Dần (Khoa quản lý đô thị, Đại học Kiến trúc Hà Nội) nhận định, nếu hiện thực hóa đề xuất trên sẽ vi phạm quyền tự do cư trú của người dân theo quy định của Luật Cư trú. Hà Nội nên cân nhắc ngay từ lúc cấp phép xây dựng nhà cao tầng khu vực nội đô nếu muốn giảm gia tăng dân số cơ học. Nếu đã cấp phép thì thị trường sẽ tự điều tiết việc mua bán nhà ở, giá cả, đối tượng khách hàng chứ chính quyền không thể can thiệp bằng biện pháp hành chính.
Bàn về bài toán giao thông tại Thủ đô Hà Nội, ông Chính ủng hộ việc Hà Nội mạnh dạn cấm hoàn toàn xe máy trong khu vực nội đô. Theo ông Chính: "Hiện nay đường phố Hà Nội toàn xe máy và ô tô cá nhân. Nếu cứ tiếp tục xây nhà cao tầng trong khu vực nội đô thì dẫu đường có được mở rộng thêm gấp 3 lần hiện tại cũng vẫn kẹt xe".
|
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đề xuất không bán nhà cao tầng khu vực nội đô cho người ngoại tỉnh. (Ảnh: Nam Trần) |
Mặt khác, ông Chính cũng lưu ý rằng, để có thể cấm tuyệt đối xe máy tại khu vực nội đô Hà Nội vào năm 2025, TP cần hoàn thiện tốt hệ thống giao thông công cộng với tuyến metro, đường sắt trên cao, BRT...
Cùng với đề xuất không cho thuê, không bán nhà cao tầng nội đô cho người ngoại tỉnh, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam còn kiến nghị Hà Nội dành toàn bộ quỹ đất khi di dời nhà máy, cơ quan để xây các công trình công cộng như vườn hoa, cung thiếu nhi, mẫu giáo, nhà trẻ, cây xanh... thay vì cấp phép xây dựng dự án nhà cao tầng phục vụ nhà ở thương mại tại khu vực nội đô tính từ vành đai I trở vào.
Để quản lý và kiểm soát chiều cao xây dựng, tầng cao công trình, khu vực nội đô lịch sử Hà Nội được chia thành 7 khu vực, gồm: Khu trung tâm chính trị Ba Đình; khu phố cũ; khu phố cổ; khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long; khu vực Hồ Tây và phụ cận; khu vực Hồ Gươm và phụ cận; khu vực hạn chế phát triển.