Mới đây, VCCI đã gửi báo cáo nhanh về sự chồng chéo của các văn bản pháp luật liên quan tới đầu tư xây dựng, nhà ở, đất đai, môi trường, đấu thầu, kinh doanh địa ốc lên Thủ tướng Chính phủ. Đơn vị này chỉ rõ 20 điểm mâu thuẫn trong 7 luật liên quan tới đầu tư xây dựng cần được sửa đổi.
|
VCCI chỉ ra 20 điểm mâu thuẫn trong 7 luật liên quan tới đất đai, đầu tư, xây dựng. Trong ảnh: Một dự án bất động sản tại TP.HCM. (Nguồn ảnh: Thanh Hương) |
Cụ thể, VCCI ghi nhận sự mâu thuẫn, chồng chéo về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư được quy định tại Luật Nhà ở và Luật Đầu tư.
Theo đó, sự khác nhau về phân loại dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không thống nhất, chồng chéo của các luật. Nhà đầu tư lẫn cơ quan nhà nước không xác định được việc áp dụng luật nào cho phù hợp với thực tiễn.
Chẳng hạn, trong khi Luật Đầu tư quy định việc giao dự án không thông qua đấu giá thì Luật Đất đai lại tách hai trường hợp không đấu giá và đấu giá. Luật Đấu thầu lại quy định chung chung là cần đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án. Các địa phương vì thế rất lúng túng trong việc áp dụng quy định pháp luật với những dự án đầu tư có sử dụng đất.
VCCI cho biết đang có sự mâu thuẫn, xung đột giữa các quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư liên quan tới việc chấm dứt dự án đầu tư, thu hồi đất liên quan.
Luật Đất đai quy định cho phép gia hạn thời gian sử dụng đất thêm 24 tháng. Trong khi đó, Luật Đầu tư quy định chấm dứt và thu hồi dự án sau 12 tháng nếu nhà đầu tư không có khả năng thực hiện hoặc không thực hiện dự án.
Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai đang có sự mâu thuẫn trong việc quy định điều kiện vốn tối thiểu của chủ đầu tư trong đấu giá đất. Chế độ giảm, miễn tiền thuê đất cũng như những nghĩa vụ, quyền hạn của nhà đầu tư, quy định tiền ký quỹ với dự án đầu tư không tương thích giữa Luật Đất đai và Luật Đầu tư.
Ngoài ra, thủ tục xin chuyển nhượng dự án bất động sản còn bị chồng chéo giữa Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đầu tư...
VCCI cho rằng, quá trình thực thi luật pháp trên thực tế sẽ bị cản trở bởi những chồng chéo, mâu thuẫn nêu trên. Từ đó, có thể phát sinh chi phí lớn, gây rủi ro cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, cách thực thi luật pháp giữa các địa phương khác nhau bởi sự xung đột giữa các luật. Việc thực thi thủ tục hành chính cũng xảy ra tình trạng "loạn sứ quân". Điều này tạo cơ hội cho nhũng nhiễu, tiêu cực phát sinh trong quá trình thực hiện dự án đầu tư.
Theo kiến nghị của VCCI, Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo rà soát và sửa đổi luật nhằm khắc phục tình trạng này.