SearchNews

Điểm nghẽn trong chuyển nhượng dự án bất động sản cần được khơi thông

06/11/2018 16:49

Theo Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), điểm nghẽn của thị trường hiện nay là việc cơ quan nhà nước không chấp thuận chủ trương đầu tư đối với những trường hợp doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.

Do vấn đề về mặt quản lý nên thành phố hiện đang ách tắc không ít dự án bất động sản, Sở Xây dựng Tp.HCM cho biết. Một trong những lý do khiến nguồn cung dự án, nhà ở, căn hộ có giá phải chăng và giao dịch đều sụt giảm là việc cơ quan chức năng không giải quyết triển khai dự án đối với các trường hợp doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (đất phi nông nghiệp, đất nông nghiệp, đất ở).

chuyển nhượng dự án bất động sản
Do ách tắc về mặt thủ tục nên việc chuyển nhượng dự án bất động sản còn gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa)

Sở Xây dựng Tp.HCM đã thụ lý 170 dự án đề nghị công nhận chủ đầu tư kể từ khi Luật Nhà ở có hiệu lực (năm 2015) đến nay. Được biết, trong số này chỉ có 44 dự án có quyền sử dụng đất ở hợp pháp (26%); 126 dự án (74%) còn lại chủ yếu có nguồn gốc do bồi thường đất chuyên dùng, đất phi nông nghiệp và đất nông nghiệp.

Mặt khác, Luật Đất đai và Luật Nhà ở có sự "xung đột" khi Bộ Xây dựng kiến nghị sử dụng cụm từ "đất ở và các loại đất khác" thay cho từ "đất ở". Ách tắc này sẽ được tháo gỡ nhờ việc sửa đổi từ "đất ở" trong Luật Nhà ở nhằm đảm bảo sự thống nhất với Luật Đất đai.

HoREA kiến nghị, trong khi chờ sửa đổi Luật Nhà ở, Chính phủ ban hành Văn bản hướng dẫn cụ thể đối với những trường hợp doanh nghiệp đã bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ được chỉ định chủ đầu tư. Tuy nhiên, điều kiện là phải phù hợp với kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất để phát triển khu dân cư, đô thị tại địa phương.

Hiện nay, nhu cầu chuyển nhượng dự án bất động sản rất lớn. Nhiều dự án trong đó đã được thế chấp làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay tín dụng, bao gồm cả những khoản nợ xấu ngân hàng. Theo quy định của pháp luật hiện hành, chủ đầu tư chỉ được chuyển nhượng dự án khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đã giải phóng mặt bằng. Vậy nên, việc chuyển nhượng dự án gặp không ít khó khăn. 

Tp.HCM hiện có 15/23 hồ sơ chuyển nhượng dự án được chấp thuận trong 10 tháng qua. Do đó, nhà đầu tư mới có năng lực thay thế chủ đầu tư cũ chưa có điều kiện tái khởi động các dự án bị ngừng triển khai. Hơn nữa, sự ách tắc này cũng ảnh hưởng nhất định tới thị trường chuyển nhượng dự án; ngân sách nhà nước khó tăng thêm nguồn thu thuế.

Chưa kể, đây cũng là một trong những lý do dẫn tới thực trạng đã có hơn 500 dự án bị thu hồi chủ trương đầu tư, là "hàng dự án tồn kho", bị "trùm mền" chưa đủ điều kiện chuyển nhượng. Theo HoREA: “Cần khơi thông điểm nghẽn này để thị trường phát triển vững mạnh hơn, giải quyết vấn đề ách tắc nguồn cung”.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu