Dung Quất đang dần rõ nét là khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực. Song việc không còn mặt bằng, quỹ đất, nhân lực khan hiếm khiến mô hình phát triển Dung Quất được coi là không phù hợp.
Khu kinh tế Dung Quất tiền thân là khu công nghiệp Dung Quất đã ra đời hơn 10 năm và đang phát triển với tốc độ nhanh. Mô hình nào cho Dung Quất hiện là vấn đề được quan tâm. Ngoài dự án nhà máy lọc dầu là "trái tim" của Dung Quất, tại đây đã hiện rõ nét một khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực với sự xuất hiện của cảng nước sâu, các khu công nghiệp, khu đô thị, bệnh viện, trường đào tạo nghề... Giữa tháng 10 vừa qua đã có 160 dự án được cấp phép đầu tư vào nơi đây với tổng vốn đăng ký khoảng 10,5 tỷ USD.
Theo quy hoạch xây dựng đến năm 2020, diện tích khu kinh tế Dung Quất chỉ có 10.300 ha, trong đó để phát triển công nghiệp chỉ hơn 2.330 ha. Thực tế cho đến nay khu công nghiệp phía Đông đã được các nhà đầu tư thuê hết hơn 76% diện tích. Như vậy, Dung Quất không còn mặt bằng, quỹ đất để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư với các dự án công nghiệp nặng.
Hệ thống cơ sở hạ tầng hiện hữu của khu kinh tế Dung Quất đã quá tải. Trong năm nay, vốn đầu tư hạ tầng cho Dung Quất chỉ còn bằng khoảng 30% so với năm ngoái, và cũng chưa đủ để hoàn thành các dự án dở dang hay sửa chữa, cũng như làm mới hay mở rộng.
Dung Quất đang "khát" nguồn nhân lực. Các dự án lớn còn trong quá trình xây dựng đã thiếu hàng chục nghìn kỹ sư, công nhân kỹ thuật trình độ cao... Dự báo đến năm 2010, Dung Quất sẽ cần tới khoảng 40.000 lao động với đủ các ngành nghề khác nhau. Mặc dù tại đây có trường đào tạo nghề đã đi vào hoạt động 4 năm.
Việc mở rộng diện tích Dung Quất là một yêu cầu khách quan. Giữa năm nay, UBND tỉnh Quảng Ngãi, ban quản lý khu Dung Quất đã trình Chính phủ đề án mở rộng diện tích khu lên hơn 63.000 ha và đã được phê duyệt. Các chuyên gia cho rằng, phải có các cơ chế đặc biệt, Dung Quất mới có cơ hội phát triển theo mô hình đặc khu kinh tế.
(Theo TBKTVN)