Ông Nguyễn Trường Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam cho biết, có doanh nghiệp từng đề xuất, nếu được miễn tiền đất, chi phí xây dựng nhà dành cho người thu nhập thấp chỉ hơn 5 triệu đồng/m2.
- Một số nhà đầu tư nhà thu nhập thấp ở Hà Nội đề xuất mức giá 11,6 triệu đồng/m2, theo ông mức này cao hay thấp?
- Giá nhà thu nhập thấp tại Việt Nam hiện đắt gần gấp đôi các nước xung quanh. Có thực trạng này bởi giá xây dựng nhà ở trong nước hiện phụ thuộc quá nhiều yếu tố và không trung thực. Ở Hà Nội, nhà ở thu nhập thấp được ra giá 11,6 triệu đồng/m2, tương đương 560 USD, trong khi tôi biết một tập đoàn liên danh giữa Đức và Malaysia sang Việt Nam đang chào công nghệ làm nhà 20 tầng với giá 250 USD/m2, có chất lượng tương đương loại nhà thu nhập thấp mà Việt Nam đang làm. Theo tôi, chi phí xây dựng nhà ở dành cho người thu nhập chỉ hơn 5 triệu đồng/m2 là hợp lý. Tất nhiên là chưa tính chi phí cho GPMB và nền địa chất phải tương đối tốt.
- Chính vì giá cao nên có trường hợp người mua khi đóng tiền tới đợt 2 đã than phiền hết tiền, phải đi vay để trả cho doanh nghiệp?
- Để xảy ra những tình cảnh đáng buồn này bởi gốc rễ vẫn là vấn đề luật pháp. Chính sách không rõ ràng thì chuyện như vậy đương nhiên sẽ xảy ra. Từ tiêu chuẩn thiết kế, cơ chế chính sách đến tìm kiếm nguồn vốn hay công nghệ để giảm giá thành... đều thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước. Đáng tiếc, chúng ta không có bước tiến nào đáng kể trong áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ để giảm giá nhà. Cùng với đó, chất lượng nguồn nhân lực đang quản lý và xây dựng nhà ở đang khủng hoảng nên tất yếu sẽ ảnh hưởng đến giá nhà. Trách nhiệm này đầu tiên thuộc về Bộ Xây dựng. Chúng ta dường như đang thả nổi vấn đề nhà ở và quẳng toàn bộ gánh lo cho người dân.
- Nói như vậy thì giá nhà cao một phần do quản lý yếu kém?
- Bộ Xây dựng vừa trình Chiến lược Quốc gia về nhà ở nhưng đáng tiếc là không có bóng dáng của vai trò khoa học kỹ thuật và công nghệ thì làm sao có được giá thành rẻ. Cách đây hàng chục năm, chúng tôi đã xây dựng nhà ở giá rẻ cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Thực tế chứng minh chúng tôi rất thành công, song mô hình đó rồi cũng bỏ xó, không nhân rộng ra được.
- Có ý kiến cho rằng, giá nhà cao bởi thiếu khuôn mẫu tiêu chuẩn khiến mỗi doanh nghiệp phải tự mò mẫm đã làm “đội” giá thành?
- Chúng ta chưa có tiêu chuẩn hóa xây nhà ở dành cho người thu nhập thấp dù không khó để có những thiết kế chuẩn tối ưu cho dạng nhà này. Tôi đã đi xem một vài dự án làm nhà thu nhập thấp thì thấy hiện nay có quá nhiều chủ đầu tư có trình độ và năng lực quản lý rất khác nhau, khả năng tài chính và đặc biệt là các mối quan hệ cũng khác. Từ đó, “đẻ” ra các tòa nhà có thiết kế khác nhau. Cái gì cũng phải chi phí mà không tận dụng được mô hình sẵn có khiến doanh nghiệp không hạ được giá thành.
- Hà Nội giá 11,6 triệu đồng/m2, TP Hồ Chí Minh 8,5 - 10 triệu đồng, Đà Nẵng lại chỉ có 5,2 triệu đồng, vì sao có sự chênh lệch lớn trong khi mặt bằng chính sách là như nhau?
- Mức giá nhà thu nhập thấp ở các địa phương đầu vào tương đương và chính sách ưu đãi được thụ hưởng như nhau. Không thể nói đất đắt hay rẻ bởi các dự án này phần lớn đều xây dựng trên đất “sạch”. Nếu chênh lệch xa như vậy thì phải chăng kỹ sư, doanh nghiệp ở Đà Nẵng có trình độ quản lý và biết áp dụng nhiều công nghệ mới hơn các địa phường khác. Tôi cho rằng, phía sau sự chênh lệch giá này là do Đà Nẵng sử dụng đội ngũ tư vấn thiết kế và áp dụng công nghệ tốt. Bởi chất lượng và giá thành của tòa nhà phụ thuộc rất lớn vào tư vấn thiết kế, giám sát và công nghệ, vật liệu...
- Mô hình phát triển nhà giá rẻ hiện nay khó có thể cho ra sản phẩm có giá thấp hơn mặt bằng hiện tại?
- Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất cho thực hiện một chương trình cấp quốc gia làm nhà ở thí điểm tại 5 địa điểm tiêu biểu trên cả nước, có thể là nhà ở cho công nhân, cho cán bộ, viên chức, sinh viên... Khác với việc để doanh nghiệp tự loay hoay như hiện nay, Nhà nước chỉ giao đầu bài xây dựng nhà theo yêu cầu của số đông người dân, với một mức giá cụ thể như 8-9 hay 10 triệu đồng/m2. Các dự án phải được cấp đất “sạch” và được hội đồng đánh giá chất lượng đánh giá nghiệm thu. Doanh nghiệp cứ xây, Nhà nước đảm bảo đầu ra bằng cách mua lại và bán cho các hộ dân. Như vậy, sẽ làm tăng tính cạnh tranh, nếu doanh nghiệp áp dụng khoa học, công nghệ, vật liệu mới và quản lý tốt thì giá thành giảm, có lãi nhiều và ngược lại.
(Theo ANTĐ)