Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định số 5289/QĐ-UBND ban hành "Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội".
|
Chung cư cũ xây dựng từ những năm 1960 tại các quận nội thành Hà Nội hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh minh họa |
Nội dung Đề án nêu rõ, để thực hiện mục tiêu trên, TP. Hà Nội đưa ra 7 nhóm giải pháp trọng tâm như sau:
1. Tiến hành tổng rà soát, khảo sát và kiểm định chung cư cũ. Thành lập Hội đồng thẩm định của UBND TP dự kiến trong 12/2021 - 1/2022 để tổ chức thẩm định, ban hành kết luận kiểm định nhà chung cư cũ. Ban hành Kế hoạch kiểm định dự kiến trong tháng 12/2021. Tiến độ thực hiện từng nhà chung cư cũ theo từng năm trong giai đoạn 2021 - 2025, chia làm 4 đợt; phấn đấu hoàn thành kiểm định tất cả chung cư cũ trên địa trước quý 3/2023.
2. Lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết chung cư cũ. Định hướng giải pháp quy hoạch đối với 3 mô hình cấp độ: Lập đồ án quy hoạch chi tiết với khu chung cư cũ quy mô từ 2 ha; lập tổng mặt bằng với nhóm chung cư cũ quy mô nhỏ hơn 2 ha; lập tổng mặt bằng và thực hiện đề án quy gom đối với nhà chung cư cũ độc lập, đơn lẻ để tái định cư tại chỗ. Dự kiến hoàn thành lập, trình duyệt quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng, đề án quy gom toàn bộ các khu chung cư, nhà chung cư trong quý 4/2023.
3. Ban hành kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, gồm: Lập danh mục chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại đồng bộ, toàn diện với 3 nhóm: nhóm các dự án đang triển khai (chuyển tiếp từ giai đoạn trước năm 2021); nhóm dự kiến khởi công xây dựng trong giai đoạn 2021-2025; nhóm chuẩn bị đầu tư để triển khai giai đoạn tiếp theo; dự kiến các nguồn vốn thực hiện đối với từng dự án cụ thể; tạo lập quỹ nhà tái định cư tạm thời...
4. Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, trong đó quy định 3 hình thức lựa chọn, gồm: Các chủ sở hữu thống nhất lựa chọn; đấu thầu lựa chọn; nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.
5. Thành lập Hội đồng thẩm định của UBND TP hoặc phân cấp cho UBND cấp huyện xem xét, thẩm định, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án hỗ trợ, bồi thường, tái định cư, bố trí nhà ở tạm cư.
6. Tạo lập quỹ nhà ở tạm cư, TP có thể sử dụng các quỹ nhà tái định cư có sẵn của thành phố; đầu tư xây dựng mới quỹ nhà tạm cư hoặc mua nhà ở thương mại để tạo lập quỹ nhà ở tạm cư.
7. Thực hiện các chính sách ưu đãi: Miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền chuyển mục đích sử dụng đất.
UBND TP. Hà Nội cũng phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, huyện, quận, thị xã và các cơ quan liên quan theo nguyên tắc "5 rõ", có lộ trình, tiến độ triển khai cụ thể đối với từng nhiệm vụ.
Ngoài ra, UBND TP yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, quận, thị xã và cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo triển khai thực hiện. Hàng năm báo cáo kết quả thực hiện gửi Sở Xây dựng trước ngày 30/11 để tổng hợp, báo cáo UBND TP Hà Nội.
Lam Giang
Link bài viết gốc
http://thanhnienviet.vn/2021/12/28/ha-noi-ban-hanh-de-an-cai-tao-xay-dung-lai-chung-cu-cu