Toàn TP Hà Nội hiện có 631 nhà chung cư đã đưa vào sử dụng tính đến tháng 9/2015, chủ yếu tập trung trên địa bàn 11 quận và 4 huyện (Gia Lâm, Đan Phượng, Thanh Trì, Hoài Đức). Vậy nhưng, trên thực tế, công tác sử dụng quản lý nhà chung cư vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Sau khi thành lập BQT, tại một số chung cư đã nảy sinh mâu thuẫn về quyền lợi và trách nhiệm giữa chủ đầu tư với BQT, đơn vị quản lý vận hành và người dân đang sử dụng trong nhà chung cư, các vấn đề liên quan tới việc bàn giao kinh phí bảo trì 2%…
Chính quyền TP Hà Nội cho rằng, việc thành lập BQT nhà chung cư trên
địa bàn TP hiện vẫn rất chậm. (Ảnh: Vũ Quang).
Ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên là do Quy chế sử dụng, quản lý nhà chung cư tuy vẫn còn hiệu lực áp dụng, song qua hơn 7 năm được ban hành đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế.
Đơn cử như việc xác định phần sở hữu riêng - chung, trong đó tiêu biểu là việc xác định sở hữu đối với tầng hầm để xe; những vấn đề hoạt động của BQT; thu và quản lý phí bảo trì chung cư,...
Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp luật quy định về sử dụng quản lý nhà chung cư hiện chưa rõ ràng, chưa theo kịp những thực tế phát sinh trong quá trình quản lý sử dụng đối với các loại nhà chung cư, quy định thường xuyên thay đổi và còn chồng chéo ở một số nội dung, bất cập khi áp dụng trong thực tiễn.