SearchNews

Không vốn, cấm đầu tư nhà

14/09/2006 09:08

Chủ đầu tư dự án phát triển nhà thương mại bắt buộc phải có vốn đầu tư thuộc sở hữu của mình không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư của dự án.

Chủ đầu tư dự án phát triển nhà thương mại bắt buộc phải có vốn đầu tư thuộc sở hữu của mình không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư của dự án. 

Đó là một trong những nội dung chính trong Nghị định 90 hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở vừa được Thủ tướng phê duyệt ngày 13/9. Mức 15% vốn tự có áp dụng với dự án có quy mô dưới 20 ha, trên 20 ha, chủ đầu tư phải có ít nhất 20% vốn. Chủ đầu tư được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Huy động vốn được thực hiện khi dự án đã xong giải phóng mặt bằng, với mức tối đa 70%.

Việc lựa chọn chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại được thực hiện theo nguyên tắc công khai. UBND các tỉnh thành sẽ công bố các khu đất dành để phát triển nhà ở thương mại trên phạm vi địa bàn để tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế biết và tham gia đăng ký đấu thầu.

Các nhà đầu tư trong và ngoài nước được cung cấp thông tin về quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, điểm dân cư nông thôn tỉ lệ 1/2.000, địa điểm và ranh giới của các khu đất dự án phát triển nhà ở thương mại, qui mô, điều kiện về sử dụng đất của từng dự án.

Cũng theo nghị định này, người được thuê mua nhà ở xã hội khi chưa có sở hữu nhà ở và chưa được thuê hoặc thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích bình quân trong hộ gia đình dưới 5m2 sàn/người, có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng là nhà ở tạm, hư hỏng hoặc dột nát.

Về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, nghị định nêu rõ tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở không quá 100.000 đồng/giấy đối với cá nhân, không quá 500.000 đồng một giấy đối với tổ chức, trường hợp xin cấp đổi lại nộp 50.000 đồng mỗi giấy.

Theo Nghị định 90, điều kiện để sở hữu nhà ở của tổ chức cá nhân nước ngoài tại Việt Nam khá thông thoáng. Các đối tượng này được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua hình thức đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê. Thời hạn sở hữu trùng với thời hạn quy định trong giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân nước ngoài nếu được tặng cho, được thừa kế nhà ở thì không được sở hữu mà chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó.

Phong Lan

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu