Dự án xây mới khu nhà I1, 2, 3 Thành Công 2 là một khó khăn điển hình của doanh nghiệp khi thực hiện cải tạo chung cư cũ. Không đạt được sự đồng thuận giữa các hộ dân là một lý do, nhưng rắc rối còn vì nghị định 61.
Dự án đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt ngày 31/10/2003, quyết định thu hồi đất từ 7/11/2004 và giao cho chủ đầu tư là Công ty Điện tử Hà Nội (Hanel). Tuy nhiên, sau một thời gian dài không thực hiện được, UBND TP quyết định chuyển giao nhiệm vụ cho chủ đầu tư mới là Tổng công ty Sông Hồng (Bộ Xây dựng) ngày 7/11/2006. Bắt đầu từ ngày 27/12/2006, Tổng công ty Sông Hồng giao trách nhiệm thực hiện dự án cho Công ty địa ốc Sông Hồng (Sông Hồng Land).
Là chủ đầu tư, Sông Hồng Land dự kiến sẽ xây dựng 3 khối nhà làm việc và văn phòng cho thuê, nhà ở trên diện tích 5.152 m2, trong đó xây dựng nhà 3.510 m2 với mật độ xây dựng 68,1%, hiệu số sử dụng đất đạt 12,17 lần, diện tích sàn 62,727 m2. Trong đó gồm 410 căn hộ với diện tích khoảng 60 m2/căn. Còn lại là diện tích văn phòng và diện tích kỹ thuật giao thông. Tổng mức đầu tư của dự án vào khoảng 430 tỷ đồng. Quá trình giải phóng mặt bằng từ tháng 8 đến tháng 12/2007. Thời gian xây dựng trong 30 tháng, dự kiến giao nhà vào quý IV/2010.
Sông Hồng Land đã đưa ra một cơ chế tái định cư thông thoáng như đối với các hộ dân tầng trệt được bố trí 1 kios tại tầng 1 có diện tích 18 và 30 m2, được bố trí một căn hộ tại tầng 5 trở lên. Diện tích dôi dư được mua theo giá đảm bảo đầu tư do UBND TP phê duyệt. Các hộ có từ hai hộ khẩu, nhưng có một hợp đồng thuê nhà được xem xét mua thêm một căn hộ và hai hộ này tự thoả thuận về giá và cách chia. Đối với các diện tích cơi nới trái phép được bồi thường kiến trúc trên đất theo quy định của TP.
Vướng nghị định 61
Tuy chủ đầu tư đã hết sức cố gắng nhưng hiện dự án vẫn chưa triển khai được do gặp phải những vướng mắc mà doanh nghiệp không thể tự mình giải quyết. Tại một cuộc họp mới đây, nhiều hộ dân khẳng định sẽ bàn giao nhà ngay nếu được mua nhà cũ theo Nghị định 61/CP. Nếu trường hợp chưa thể thực hiện thì đề nghị các cấp có thẩm quyền cho phép tính toán và nộp tiền trong 2007 và cam kết bán nhà, thanh quyết toán và cấp sổ đỏ tại thời điểm giao nhà mới.
Trước đây, TP có quyết định dừng bán nhà theo Nghị định 61 cho các hộ dân tại 3 khu nhà này vì các khu nhà này thuộc diện nguy hiểm và là dự án đầu tư xây dựng lại theo quy hoạch đã được phê duyệt. Tuy nhiên, trong tổng số 90 hộ của 3 khu nhà thì có tới 29 hộ đã được cấp sổ đỏ, 61 hộ còn lại không được là thiếu công bằng. Mặt khác, dự án đầu tư này đã được TP phê duyệt gần 4 năm nhưng chủ đầu tư cũ (Hanel) không thực hiện được và quyết định này đến nay đã hết hiệu lực (quyết định này ghi rõ hiệu lực là 12 tháng). Vì vậy, UBND TP Hà Nội dừng việc bán nhà cho các hộ dân còn lại là không hợp lý.
Ngoài nguyên nhân về sổ đỏ, đa phần ý kiến của người dân mong muốn được tham gia hội đồng giải phóng mặt bằng hoặc tổ công tác của hội đồng. Bên cạnh đó, người dân cũng kiến nghị UBND quận Đống Đa khẳng định với các hộ dân về sự không liên quan đến dự án của Hanel. Về phía doanh nghiệp đề nghị quận Đống Đa khởi động lại hội đồng giải phóng mặt bằng quận với các nội dung đã được TP phê duyệt.
(Theo DĐDN)