Mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận đã gửi công văn tới 5 sở gồm Sở Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, TN&MT, KH&ĐT, Xây dựng và UBND các thành phố, thị xã, huyện yêu cầu tăng cường kiểm soát chặt chẽ diễn biến phức tạp của thị trường địa ốc trên địa bàn.
Nội dung công văn cho biết, thị trường bất động sản tại tỉnh Bình Thuận từ tháng 7/2018 đã diễn biến khó lường, thuộc diện phải rà soát chặt chẽ. Đến nay, thị trường vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là khu vực phường Mũi Né, Phú Hài (khu vực quy hoạch sân bay Phan Thiết, hai bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp...). Nhà đất tại xã Tiến Thành, Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết cũng nằm trong diện phải kiểm soát chặt.
Theo yêu cầu của UBND tỉnh Bình Thuận, các sở cần đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, xử lý những giao dịch, mua bán bất động sản trái quy định pháp luật hiện hành. Động thái này nhằm mục đích tăng cường công tác quản lý nhà nước về thị trường địa ốc, ngăn chặn tình trạng kinh doanh, môi giới nhà đất phi pháp, tránh xảy ra nạn đầu cơ thổi giá đất lên mức quá cao, vượt xa giá trị thực.
Cụ thể, chính quyền tỉnh Bình Thuận giao Sở Tư pháp trách nhiệm chỉ đạo hệ thống văn phòng công chứng trên địa bàn thực hiện chứng thực, công chứng đối với việc chuyển nhượng, mua bán nhà đất đúng theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, nhiệm vụ của Sở KH&ĐT là công bố công khai dự án trên cổng thông tin điện tử của Sở. Cùng với đó, Sở Xây dựng có trách nhiệm sớm đăng tải những đồ án quy hoạch được duyệt trên cổng thông tin của Sở.
|
Tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các sở ngành, địa phương kiểm soát chặt diễn biến thị trường bất động sản trên địa bàn. Trong ảnh: Đất nền tại khu Phong Nẫm, TP. Phan Thiết đang được chào bán. (Ảnh: nhadatbinhthuan24h.com) |
Đặc biệt, UBND TP. Phan Thiết cần tăng cường kiểm soát thị trường địa ốc thông qua việc tổ chức công bố công khai những đồ án quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất đã được duyệt (ưu tiên khu vực phường Mũi Né, Phú Hài, xã Phong Nẫm, xã Tiến Thành trước) để người dân nắm rõ. Mặt khác, đối với tình trạng thu gom đất xây hạ tầng khu dân cư tự phát chưa đảm bảo quy chuẩn xây dựng, khiến quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị bị phá vỡ, chính quyền TP. Phan Thiết cần có giải pháp ngăn chặn kịp thời.
Cũng theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận, các phường, xã cần xử lý tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để treo bảng quảng cáo, bảng hiệu, kinh doanh bất động sản sai quy định và chấn chỉnh các hoạt động gây ảnh hưởng tới trật tự an ninh trên địa bàn.
Việc thông tin, tuyên truyền vận động người dân không tham gia chuyển nhượng, mua bán các bất động sản chưa đủ điều kiện cũng cần được các phường, xã nhanh chóng tổ chức thực hiện qua hình thức sinh hoạt tổ dân phố. Đối với những dự án bất động sản đang được triển khai xây dựng, cơ quan chức năng địa phương cần giám sát chặt chẽ, nếu phát hiện dự án triển khai xây dựng, rao bán, giao dịch khi chưa đủ điều kiện phải kịp thời báo cáo về Sở Xây dựng.
Được biết, giá đất nội thành TP. Phan Thiết cũng như các vùng ven không ngừng gia tăng kể từ sau Tết Nguyên đán tới quý 2/2019. Môi giới bất động sản chào bán rầm rộ nhà đất tại khu dân cư Hàm Thắng, Bến Lội, Phong Nẫm... với mức giá thay đổi theo ngày. Không ít người thu gom đất nông nghiệp lô lớn, chuyển đổi sang thổ cư, phân lô bán nền với giá từ 300-500 triệu đồng/nền.
Từ sau Tết tới quý 2 năm nay, thị trường nhà đất tại TP. Phan Thiết biến động mạnh với giá đất thay đổi từng ngày, tình trạng "bẻ kèo", hủy cọc diễn ra phổ biến. Nhiều chủ đất đã nhận đặt cọc hôm qua, sáng nay thấy giá lên cao sẽ sẵn sàng hủy cọc để bán lại với mức giá khác. Thậm chí, vì lợi nhuận, không ít cò đất đã bất chấp đạo đức nghề nghiệp. Giới cò mồi còn rao bán cả những lô đất nằm trong quy hoạch khu đô thị, khu dân cư... và hứa sẽ được xây nhà.
Tại TP. Phan Thiết, các doanh nghiệp địa ốc "mọc lên như nấm sau mưa" với lượng môi giới lên tới gần trăm người. Trong cơn sốt đất, vì lợi nhuận trước mắt, nhiều môi giới, sàn giao dịch đã tư vấn thiếu chính xác khiến người tiêu dùng bị thiệt hại.