Khi Luật Quy hoạch được thông qua sẽ giải quyết tình trạng nhồi cao ốc vào nội đô
Hà Nội. (Ảnh: Internet)
Vụ trưởng Vụ quản lý Quy hoạch lấy dẫn chứng về những tòa nhà cao tầng hiện đại đua nhau mọc trên tuyến đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Tại các nước phát triển trên thế giới, trước khi cấp phép xây dựng cao ốc, họ sẽ xem xét việc khai thác hạ tầng có đảm bảo không. Nếu hạ tầng chưa cho phép, họ sẽ hạn chế xây cao ốc và chỉ khi hạ tầng đủ điều kiện mới cho xây dựng.
Theo thông tin từ Bộ KH&ĐT, hiện vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều về dự thảo Luật Quy hoạch do Bộ Xây dựng đưa ra. Vừa qua, tại cuộc họp với Chính phủ và họp Quốc hội, Bộ Xây dựng kiên quyết bảo lưu quan điểm phải giữ Quy hoạch xây dựng và khẳng định quy hoạch này không trực thuộc Luật Quy hoạch.
Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho rằng: “Nếu giữ song song quy hoạch xây dựng do Bộ Xây dựng quản lý và Quy hoạch tổng thể quốc gia theo Luật Quy hoạch sẽ gây chồng chéo. Người dân và doanh nghiệp khi xin cấp phép sẽ không biết xin ở cơ quan nào hay phải xin tại hai cơ quan, việc này sẽ gây lãng phí”.
Toàn quốc hiện có 19.285 bản quy hoạch thuộc tất cả các lĩnh vực (thậm chí có cả quy hoạch sản phẩm như quy hoạch cà phê, sắn…). Đáng chú ý, tình trạng lạm dụng quy hoạch đã xuất hiện từ năm 2011 đến nay.
Theo lãnh đạo Vụ quản lý Quy hoạch, Bộ ngành, địa phương nào cũng muốn cấp nhiều dự án, nhiều ngân sách. Nếu bộ nào, địa phương nào cũng có quyền phê duyệt quy hoạch sẽ kéo theo quyền quyết định rất nhiều dự án, chương trình đầu tư công. Đây là vấn nạn quyền gắn với tiền ngân sách thông qua quy hoạch.
Đa số các văn bản quy phạm pháp luật hiện chỉ quy định chung chung không quy định cụ thể về danh mục dẫn đến thực trạng “quy hoạch đẻ quy hoạch”, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp, vị này cho hay.
Mặt khác, Bộ KH&ĐT cũng đưa ra hàng loạt dẫn chứng chứng minh cho việc lãng phí quy hoạch. Ví dụ, tại Phú Yên, tuy diện tích nhỏ nhưng có tới trên 200 quy hoạch đè lên. Hay như quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà (Đà Nẵng) đến 2025 làm riêng rẽ giữa cơ quan du lịch và cơ quan bảo tồn thiên nhiên, biến nơi đây thành điểm vui chơi giải trí với mật độ lớn so với yêu cầu bảo tồn môi trường sống tự nhiên.