SearchNews

Người dân được lợi gì khi Tp.HCM chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp?

15/08/2018 11:00

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM cho rằng, việc chuyển đổi sẽ giúp giá trị đất cao hơn nhiều so với đất nông nghiệp, vừa lợi cho dân vừa giúp TP phát triển.

Lãnh đạo Tp.HCM vừa có những chia sẻ xung quanh Nghị quyết 80/NQ-CP 2018 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) trên địa bàn TP. Sau đây là cuộc trò chuyện của PV với ông Tuyến về vấn đề này:

- Nghị quyết 80 tạo đà để Tp.HCM giải quyết những khó khăn hiện nay như thế nào, thưa ông?

Theo tôi, việc cho phép Tp.HCM điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất theo Nghị quyết 80 là điều rất ý nghĩa. Thành phố buộc phải điều chỉnh rất nhiều vấn đề hiện tại, đặc biệt là chuyển đổi đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Việc chuyển đồi này sẽ là cơ sở để TP phát triển những mục tiêu chiến lược như khu công nghiệp công nghệ cao hay những thế mạnh về dịch vụ, thương mại.

Đồng thời, việc điều chỉnh sẽ giúp TP có thể đối phó với biến đổi khí hậu, điều chỉnh các khu vực phát triển không phù hợp gây lún sụp. Mặt khác, động thái này còn cho phép TP cập nhật phát triển du lịch sinh thái ở Cần Giờ. Tôi cho rằng, vấn đề này vô cùng quan trọng bởi Cần Giờ từ trước tới nay chưa nhận được sự đầu tư phát triển thích đáng.

Theo Nghị quyết 80, cơ cấu quỹ đất của Tp.HCM sẽ được điều chỉnh phù hợp hơn. Hiện tại dù chiếm quá nửa cơ cấu đất của TP nhưng đất nông nghiệp chỉ đóng góp chưa đến 1% trong tổng cơ cấu kinh tế của TP. Một khi quỹ đất được cơ cấu lại, nguồn tài nguyên này sẽ được sử dụng hợp lý hơn, tránh bị lãng phí như trước.

Khi Tp.HCM chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp sang đất dịch vụ
Khi Tp.HCM chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp sang đất dịch vụ, đô thị, những người dân sống trên đường Sông Suối (Tân Tạo, Bình Tân) sẽ được xây nhà. (Ảnh: Lê Phong)

- Ông có thể cho biết Tp.HCM đặc biệt quan tâm đến giải pháp nào trong 5 nhóm giải pháp mà TP đưa ra để thực hiện Nghị quyết 80?

Để có thể sử dụng quỹ đất hiệu quả, Tp.HCM sẽ phải nghiên cứu rất kỹ từng nhóm giải pháp trong việc bố trí, sử dụng nguồn tài nguyên này. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu cho TP trong việc điều chỉnh quy hoạch chung. Được sự cho phép của Ban Thường vụ, UBND Tp.HCM đã thuê tư vấn để điều chỉnh quy hoạch chung TP, qua đó sẽ gắn kết với quy hoạch sử dụng đất.

Tp.HCM sẽ phát triển theo hướng đẩy mạnh khu công nghiệp công nghệ, các hoạt động gắn với phát triển công nghệ cao. Phương châm phát triển của TP là sử dụng quỹ đất ít song phải đạt được hàm lượng giá trị tăng trưởng thật sự cao.

- Hiện tại, Tp.HCM đang có rất nhiều dự án treo, gây lãng phí lớn về nguồn lực đất đai. Về vấn đề này, hướng xử lý của TP như thế nào, thưa ông?

Tp.HCM đã giao trách nhiệm cho các cơ quan liên quan rà soát lại toàn bộ các dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai. Trường hợp không đảm bảo tiến độ, TP sẽ cho thu hồi để đấu giá hoặc đấu thầu để tìm kiếm nhà đầu tư có năng lực thực hiện. Các dự án sẽ được chia thành 3 nhóm như sau:

Một là nhóm các dự án đã giao đất, cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nhưng doanh nghiệp không triển khai thì TP sẽ thu hồi chủ trương, đồng thời đảm bảo quyền lợi hợp pháp về nhà đất cho người dân bị ảnh hưởng.

Hai là nhóm các dự án đã ủy quyền cho huyện, quận thu hồi mà chậm thực hiện thì sẽ phân tích nguyên nhân gây chậm, qua đó sẽ có hướng xử lý tùy theo nguyên nhân.

Ba là nhóm các dự án đã đăng ký trong kế hoạch mà sau 3 năm vẫn chưa triển khai thì TP kiên quyết thu hồi theo luật định.

Đây là vấn đề khó đòi hỏi quyết tâm cao và phải mất nhiều thời gian. Đơn cử, TP buộc phải đấu thầu chọn lại nhà đầu tư đối với dự án Bình Quới - Thanh Đa. Nếu không quyết liệt chọn lại nhà đầu tư thì rất có thể dự án tiếp tục kéo dài hoặc bỏ dở giữa chừng.

- Thưa ông, việc chuyển hơn 26.000 ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp có mang lại lợi ích gì cho người dân có đất hay không?

Theo tôi, người dân sẽ được lợi hơn bởi khi đền bù giải tỏa thì đất phi nông nghiệp phải có giá cao hơn đất nông nghiệp. Tuy nhiên, người dân phải làm nghĩa vụ tài chính khi chuyển đổi. Thế nhưng, khi nhà nước có nhu cầu thu hồi thì đất đô thị bao giờ cũng có giá cao hơn. Chưa kể, khi thực hiện mua bán, chuyển nhượng thì người dân cũng được giá cao hơn. Hơn nữa, với đất đô thị thì người dân được phép xây dựng trong khi đất nông nghiệp thì không. Tóm lại, việc chuyển đổi này vừa giúp TP phát triển mà người dân cũng có lợi.

- Ông có thể cho biết về lộ trình chuyển đổi được không?

Quá trình chuyển đổi TP yêu cầu phải đảm bảo 3 yếu tố sau: Gắn với sự phát triển của Tp.HCM; thuận lợi cho sự phát triển của người dân và doanh nghiệp và phù hợp với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, thủ tục chuyển đổi phải chặt chẽ, tránh ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân.

Thực hiện chuyển đổi trong 3 năm

Nội dung Nghị quyết 80 nêu rõ, nhóm đất nông nghiệp của Tp.HCM được điều chỉnh đến năm 2020 là 88.005 ha. Tp.HCM được phép chuyển 26.246 ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Trong năm 2016, TP đã thực hiện chuyển 498 ha đất. Lộ trình các năm còn lại từ 2017-2020 là 9.158 ha; 11.743 ha; 2.771 ha và 2.076 ha. Nhóm đất phi nông nghiệp có diện tích 188.890 ha; trong đó đất phát triển hạ tầng là 34.921 ha, so với năm 2015 tăng 15.233 ha.

 

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu