Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu về việc xây dựng nhà ở xã hội. Hiện toàn TP có 229 khối nhà ở xã hội với 16.281 căn hộ đã và đang được xây dựng. Trong đó, vốn ngân sách thực hiện 193 khối nhà với 10.304 căn hộ (hiện Công ty Quản lý nhà chung cư đang quản lý 171 khối nhà với 8.212 căn hộ, đã bố trí 7.750 căn hộ, còn lại 462 căn); các nhà đầu tư thực hiện 36 khối nhà với 5.977 căn hộ. Ngoài ra còn có 01 dự án đầu tư nhà ở công nhân (gồm 14 khối nhà với 2.112 căn hộ) đang kêu gọi đầu tư.
Đà Nẵng đang đề xuất Chính phủ cho phép thí điểm bán nhà ở xã hội do ngân
sách đầu tư
|
Tuy nhiên theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương, trong quá trình đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, Đà Nẵng cũng đang gặp nhiều vướng mắc, bức xúc. Ông nói: “Những chung cư TP đang quản lý, với giá cho thuê như hiện nay thì sau 50 năm, đủ thời hạn khấu hao, cái nhà hết giá trị vẫn không thu lại được tiền vốn đầu tư xây dựng. Bởi giá cho thuê của mình hiện quá bao cấp, còn nếu lấy giá cao thì người dân chịu không nổi”.
Ông Võ Duy Khương cũng cho biết: “Cách quản lý của mình hiện nay xem ra có vẻ chặt chẽ nhưng thực chất là rất lỏng lẻo. Chúng ta không nắm được cái gì ở trong đó, hàng loạt chung cư cũ xuống cấp không sửa chữa được, thậm chí có nhiều hộ ở nhiều năm liền không nộp tiền cho ngân sách, nêu đủ thứ lý do nhưng Công ty Quản lý nhà chung cư không thể cưỡng chế họ ra khỏi căn hộ được. Rất nhiều bất cập!”.
Vì vậy, tại buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Xây dựng do Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu hôm 8/8 vừa qua (Infonet đã đưa tin), lãnh đạo Đà Nẵng đã chính thức đề xuất Chính phủ, Bộ Xây dựng đồng ý chủ trương cho TP thí điểm bán nhà ở xã hội thuộc nguồn vốn ngân sách sau khi xây dựng hoàn thành nhưng chưa bố trí (cụ thể là nhà T1 và T2 với 286 căn hộ ở quận Sơn Trà). Đối tượng được mua quy định tại Thông tư 11/2013 (19/9/2013) hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 34/CP (22/4/2013).
“Bán các căn hộ chung cư này, ta thu được tiền để xây dựng tiếp những khu khác. Có như vậy thì những người thu nhập thấp mới có nhà ở. Đây là vấn đề rất nóng. Chúng tôi xin làm thí điểm trước hai block, sau đó nếu có hiệu quả tốt, rút kinh nghiệm sẽ báo cáo Bộ Xây dựng xin cho bán hàng loạt khu chung cư hiện đã có người ở để họ có thể chủ động sửa chữa nhà của họ” – ông Võ Duy Khương nói.
Nhiều chung cư ở Đà Nẵng xuống cấp nhưng không sửa chữa được
|
Ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cũng cho biết, các khu chung cư thuộc các dự án nhà ở xã hội hiện có tình trạng “cha chung không ai khóc”. Khi khó khăn, người ta xin thuê chung cư, vô ở vài năm, khấm khá lên thì mua đất làm nhà khác ở riêng do tâm lý “ưng có cái riêng biệt một chút”. Nhưng vấn đề là sau khi đi ở nơi khác thì họ không chịu trả nhà chung cư được cho thuê mà đem cho thuê lại, cho ở nhờ, sang nhượng trái quy định.
“Vừa rồi chúng tôi ra tay quyết liệt, đụng chạm, mất lòng kinh khủng lắm nhưng chỉ mới xử lý được mức độ thôi. Tôi thấy nếu cứ theo đà này mà làm miết như thế thì nhà nước cũng “chết”. Cho nên xin phép Bộ Xây dựng cho bán rẻ cho người nghèo. Thay vì cho anh thuê thì tôi bán rẻ cho anh. Anh vô ở, hôm sau anh làm nhà mới thì chuyển nhượng lại cái đó cho người khác. Tôi nghĩ bán thu tiền vô là hợp lý nhất. Các bên cùng có lợi, người mua có lợi, người quản lý có lợi, ngân sách TP cũng có lợi” – ông Trần Thọ nói.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã ghi nhận ý kiến đề xuất của Đà Nẵng và cho biết trên cơ sở báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, Bộ Xây dựng sẽ có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, giải quyết chủ trương cho phép bán nhà ở xã hội được đầu tư từ ngân sách nhà nước, vì theo quy định hiện hành thì nhà ở xã hội loại này chỉ được phép cho thuê chứ không bán.