Nội dung quyết định nêu rõ, phạm vi ranh giới quy hoạch gồm toàn bộ ranh giới hành chính của TP. Cần Thơ và 12 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang, Hậu Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang, Long An; Vùng biển ven bờ của các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang.
Về mặt không gian, phạm vi nghiên cứu của quy hoạch được mở rộng đến các khu vực có ảnh hưởng và tác động đến ĐBSCL về các mặt kinh tế, văn hóa-xã hội, môi trường, liên kết vùng và liên vùng.
|
Phó Thủ tướng vừa ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch Vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh: Internet) |
Mục tiêu của việc lập Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn tới năm 2050 là nhằm xác định phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường có tính liên ngành, liên vùng và liên tỉnh trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2050 trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước theo yêu cầu đề ra tại Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ ngày 17/11/2017.
Mặt khác, việc lập quy hoạch cũng nhằm cụ thể hóa, kết nối đồng bộ, thống nhất hướng tổ chức không gian và phát triển của các ngành, lĩnh vực trên phạm vi lãnh thổ của vùng được đề ra trong quy hoạch cấp quốc gia; tạo cơ sở để quản lý và thu hút đầu tư; điều phối liên kết phát triển vùng. Đồng thời, đây là cơ sở để lập quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị trên phạm vi lãnh thổ vùng để đảm bảo tính liên kết, kế thừa, đồng bộ, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch.
Cùng với đó, giải quyết các vấn đề mất cân đối chính trong phát triển vùng ĐBSCL như cân đối an ninh lương thực và đất lúa trong điều kiện biến đổi khí hậu; xu hướng sụt giảm dân số, sự dịch chuyển của nguồn nhân lực chất lượng cao sang các địa phương khác và mặt bằng học vấn, chất lượng giáo dục-đào tạo, y tế thấp; việc chuyển đổi kết cấu hạ tầng để phù hợp với chuyển đổi mô hình phát triển nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, đặc biệt là chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tiểu vùng sinh thái; việc quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước trong bối cảnh các hoạt động phát triển ở thượng nguồn sông Mekong và tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng;...
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu, nội dung Quy hoạch vùng ĐBSCL phải bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP. Cần phân tích, đánh giá thực trạng các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực đặc thù của vùng; đánh giá tổng hợp điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức; các vấn đề trọng tâm cần giải quyết trong quy hoạch vùng; xây dựng, lựa chọn kịch bản phát triển; dự báo triển vọng, nhu cầu phát triển vùng các mặt kinh tế, xã hội, môi trường và tổ chức không gian lãnh thổ...
Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, trách nhiệm của Hội đồng Quy hoạch quốc gia là chỉ đạo tổ chức lập Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn tới năm 2050 đúng tiến độ; phù hợp với quy định của pháp luật về quy hoạch và quy định pháp luật có liên quan; chỉ đạo việc tích hợp quy hoạch, xử lý các vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong quá trình lập quy hoạch đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch.
Trong khi đó, Bộ KH&ĐT được giao trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố có liên quan thực hiện lập quy hoạch.
Ngoài ra, Thủ tướng giao các Bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng ĐBSCL chịu trách nhiệm phối hợp với Bộ KH&ĐT, tổ chức tư vấn lập quy hoạch trong quá trình lập Quy hoạch vùng ĐBSCL.
An Thanh
Link bài viết gốc
http://thanhnienviet.vn/2020/08/04/pho-thu-tuong-duyet-nhiem-vu-lap-quy-hoach-vung-dong-bang-song-cuu-long