Hiện tại, cả nước chỉ có Hà Nội và Tp.HCM được công nhận
là đô thị đặc biệt
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 36a/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử và Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 1819/2015 của Thủ tướng Chính phủ).
Theo đánh giá của Chính phủ, hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã hình thành xu thế phát triển mới trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, đô thị thông minh là một nội dung quan trọng. Chính phủ đánh giá, đây là các khái niệm mới, cần được nghiên cứu kỹ càng, chỉ đạo thống nhất từ Trung ương tới địa phương, phù hợp với xu thế phát triển chung và điều kiện của Việt Nam để phát triển bền vững.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin & Truyền thông cùng Bộ Xây dựng trong quá trình thực hiện chương trình này phải bảo đảm đầu tư thiết thực, hiệu quả, phù hợp với khả năng cân đối vốn và điều kiện của từng địa phương. Hai Bộ trên đảm bảo tránh đầu tư theo phong trào, lãng phí, gây thất thoát.
Hiện nay, các đô thị Việt Nam được chia thành 6 loại gồm loại đô thị đặc biệt và các đô thị từ loại 1 đến loại 5. Trong đó, các đô thị đặc biệt, loại 1 và 2 do Thủ tướng ra quyết định công nhận. Các đô thị loại 3 và 4 do Bộ Xây dựng ra quyết định công nhận. Đô thị loại 5 do UBND cấp tỉnh, TP trực thuộc trung ương công nhận. Hiện tại, Việt Nam có 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và Tp.HCM, 17 đô thị loại 1, 25 đô thị loại 2, 42 đô thị loại 3, 90 đô thị loại 4. Theo đó, có khoảng 38% dân số Việt Nam sống ở đô thị.