SearchNews

Sau vụ đường nghìn tỷ mỗi m2 ở Thủ Thiêm, HoREA kiến nghị đấu thầu các dự án BT

11/05/2018 06:54

Theo Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), những hình thức đầu tư như hợp tác công tư (PPP), xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao (BT) tiềm ẩn nhiều rủi ro và hạn chế. Do đó, đơn vị này kiến nghị thực hiện đấu thầu, đấu giá minh bạch và rộng rãi.

Vừa qua, HoREA đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng một số bộ ngành đề xuất cơ chế thực hiện phương thức xã hội hóa đầu tư theo các hình thức nói trên.

Hiệp hội cho rằng, ngoài những mặt tích cực nhất định, các hình thức đầu tư này tiềm ẩn nhiều hạn chế. Thực tế cho thấy, có không ít công trình BOT, PPP, BT được chỉ định nhà đầu tư, nhà thầu. Vấn đề là, tại các công trình, 90% vốn đầu tư dự án thuộc vốn vay ngân hàng trong khi nguồn vốn của nhà đầu tư, nhà thầu chỉ chiếm khoảng 10%. Điều này không những khiến tiến độ hoàn thiện công trình bị ảnh hưởng mà còn tiềm ẩn không ít rủi ro.

đầu tư theo hình thức BT tiềm ẩn nhiều hạn chế
HoREA nhận định, đầu tư theo hình thức BT tiềm ẩn nhiều rủi ro và hạn chế. Trong ảnh: Một tuyến đường tại Hà Nội dính "lùm xùm" khi xây dựng theo hình thức BT. (Ảnh: Lê Hiếu).

Theo HoREA, thời gian qua, việc thực hiện phương thức chỉ định nhà đầu tư, nhà thầu theo hình thức BOT, PPP, BT bộc lộ khá nhiều hạn chế, có khả năng phát sinh tiêu cực, gia tăng lợi ích nhóm. Đồng thời, thực trạng này cũng ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư kinh doanh cũng như lợi ích xã hội. 

Cụ thể, với những hình thức đầu tư nêu trên, giới đầu tư và nhà thầu có thể được hưởng lợi "kép" hai lần. Đầu thứ nhất là khi nhận thầu thi công công trình (đầu xây dựng: B-Building), hai là khi đầu tư kinh doanh những khu đất đối ứng tọa lạc tại các vị trí đẹp, hạ tầng giao thông đã được tăng cường đầu tư (đầu chuyển giao: T-Transfer).

Hơn nữa, các nhà đầu tư và nhà thầu còn tránh được thủ tục "kép" đối với việc lựa chọn chủ dự án và nhà thầu công trình. Theo đó, không cần thông qua thủ tục đấu thầu rộng rãi trong nước và quốc tế, doanh nghiệp được chỉ định làm nhà thầu xây lắp.

Tương tự, nhà đầu tư cũng không cần thông qua thủ tục đấu thầu rộng rãi trong nước và quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư mà doanh nghiệp được chỉ định nhà đầu tư dự án bất động sản tại các khu đất đối ứng.

Trước thực trạng đó, HoREA cảnh báo, những hình thức đầu tư nói trên sẽ khiến môi trường kinh doanh địa ốc bị giảm sút tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh. Đồng thời, điều này cũng có thể khiến ngân sách nhà nước thiệt hại; ảnh hưởng tiêu cực tới niềm tin của giới đầu tư trong và ngoài nước. Mặt khác, nguồn đất đối ứng trả cho nhà thầu thuộc tài sản công, là tiền ngân sách nhà nước, do đó các hình thức đầu tư này gây nhiều quan ngại trong xã hội. 

Chính vì vậy, Hiệp hội đề xuất, đối với các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang và phát triển đô thị cần thực hiện hình thức đấu thầu rộng rãi và phổ biến trong nước, quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu theo phương thức xã hội hóa bằng hình thức PPP, BT.

Ngoài ra, HoREA cũng kiến nghị đấu giá, đấu thầu công khai các khu "đất vàng" trong quá trình thực hiện thu hồi quỹ đất do sắp xếp lại trụ sở làm việc, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở hoạt động sự nghiệp mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước.

kiến nghị đấu thầu dự án BT
Bốn tuyến đường do Đại Quang Minh xây dựng theo hình thức BT đang bị nghi ngờ về giá trị thực. (Ảnh: Lê Quân).

Cùng với đó, HoREA cho rằng, việc chỉ định nhà đầu tư, nhà thầu đối với các trường hợp trên cần phải hạn chế một cách tối đa. HoREA nêu rõ: “Chỉ thực hiện việc chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư trong các trường hợp đặc biệt theo điều 26 Luật Đấu thầu, để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh; củng cố lòng tin cho các nhà đầu tư; làm lợi cho ngân sách nhà nước và tăng cường sự đồng thuận trong xã hội”.

Hiện dư luận đặt nhiều nghi vấn đối với dự án đầu tư 4 đoạn đường tại Khu đô thị Thủ Thiêm của Đại Quang Minh theo hình thức BT.

Được biết, việc xây dựng 4 tuyến đường (11,9km) ở Thủ Thiêm được giao cho Đại Quang Minh với kinh phí đầu tư lên đến 12.182 tỷ đồng. Như vậy, vốn đầu tư lên tới khoảng 1.000 tỷ đồng/km đường. Con số này gấp 4 lần vốn đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (250 tỷ đồng/km) và gấp 5 lần cao tốc Bắc - Nam (180 tỷ đồng/km).

Đáng chú ý, đổi lại việc xây dựng 4 tuyến đường trên, Đại Quang Minh được chính quyền Tp.HCM giao 79 ha đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm tại phường An Lợi Đông và phường Thủ Thiêm để đầu tư các dự án bất động sản khác.

Sau đó, UBND Tp.HCM và doanh nghiệp này tiếp tục ký kết hợp đồng thực hiện dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 theo hình thức BT vào ngày 19/6/2015. Theo thiết kế được duyệt, tổng chiều dài cầu là 1.465m (phần cầu dài 885,7m), quy mô 6 làn xe. Dự án có tổng mức đầu tư 3.082 tỷ đồng.

Đổi lại, Tp.HCM giao Đại Quang Minh 26 ha đất tại khu chức năng số 6, đô thị Thủ Thiêm để đầu tư các dự án bất động sản. Như vậy, TP đã giao cho Đại Quang Minh tổng cộng 105 ha "đất vàng" Thủ Thiêm để phát triển dự án.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu