Bỏ quy hoạch không cần thiết, tái phân lô bán nền, hủy cơ chế tự thỏa thuận của doanh nghiệp, công bố giá đất 5 năm một lần... là những nội dung được đại diện nhiều quận, huyện, doanh nghiệp phía nam đề xuất sửa đổi Luật Đất đai.
Ngày 5 và 6/5, Bộ Tài Nguyên Môi trường đã tiến hành lấy ý kiến các quận huyện và doanh nghiệp phía nam, chuẩn bị cho lần dự thảo sửa đổi Luật Đất đai dự kiến hoàn tất trong tháng 7.
Nhiều đại diện quận, huyện tỉnh thành phía nam phản ứng lại sự chồng chéo trong các quy hoạch. Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản TP HCM Đỗ Thị Loan đề xuất, cần mạnh dạn bỏ các quy hoạch rời rạc, không đồng bộ làm nản lòng nhà đầu tư và gây hoang mang cho người dân.
Đại diện tỉnh An Giang cũng không ngần ngại đề nghị triệt tiêu hẳn quy hoạch cấp xã vì nhiều năm qua, quy hoạch của xã chỉ là bản đồ vô dụng trên giấy. Những hạn chế về kinh phí và năng lực cũng khiến cho địa phương không đủ tầm thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch theo phong trào.
Bên cạnh bức xúc về câu chuyện nhiều quy hoạch nhưng ít khả thi, là ý kiến về hàng loạt dự án treo ở nhiều tỉnh thành vì giá đền bù không sát thị trường. Từ Ninh Kiều (Cần Thơ) đến huyện Tăng Châu (An Giang), Bến Tre, Long An... lãnh đạo các tỉnh đều phản ánh giá đất Chính phủ quy định chỉ bằng 20-30% giá thị trường đã gây nhiều trở ngại cho việc đền bù giải tỏa.
Phân lô bán nền cũng là một trong những nội dung nhận được nhiều đề xuất của doanh nghiệp. Dù chia nhỏ dự án rồi bán nền tràn lan trước khi thực hiện từng phát sinh nhiều tiêu cực và bị nghiêm cấm, song do nhu cầu bức bách về nhà ở tại một số địa phương nên các đề xuất về vấn đề này cho rằng cần được xem xét lại.
Đại diện Công ty Tư vấn Thiết kế Abbo phát biểu, tâm lý chung, lãnh đạo nào cũng muốn khu vực mình quản lý được phân lô bán nền để phục vụ nhu cầu về nhà ở ngày càng gia tăng của cộng đồng. Ông đề nghị Bộ xem xét cho bán nền với điều kiện chủ đầu tư phải cam kết thực hiện dự án và hoàn tất hạ tầng đúng như kế hoạch.
Quan điểm của giới kinh doanh bất động sản, luật đã thành lối mòn, cái gì không quản lý nổi thì cấm đoán, là biểu hiện của quản lý yếu kém.
Song, Phó tổng giám đốc Công ty Bất động sản Hoàng Quân, ông Trương Thái Sơn, băn khoăn: "Nếu luật Đất đai cho phép phân lô bán nền thì hoàn toàn đi ngược lại với luật Nhà ở của Bộ Xây dựng, buộc phải có hạ tầng và móng mới được bán nhà".
Bên cạnh các đề xuất về phân lô bán nền, nhiều kiến nghị liên quan đến việc nhà nước thu hồi đất hay doanh nghiệp tự thỏa thuận đền bù được đưa ra tranh luận sôi nổi.
Giới kinh doanh địa ốc đồng loạt đề xuất, trong trường hợp chủ đầu tư đã thu hồi được 80-90% dự án, nhưng 10-20% còn lại không thỏa thuận nổi thì nhà nước sẽ hỗ trợ bằng cách cưỡng chế thu hồi.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Thế Ngọc cho hay, Bộ sẽ xem xét 3 phương án rồi mới chốt lại. Một là cho phân lô bán nền nhưng quản chặt về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng. Hai là phân vùng được phân lô. Ba là nghiêm cấm phân lô bán nền trong đô thị, chỉ cho phép làm tại nông thôn. Bởi lẽ, xu hướng nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều, việc phân lô bán nền chỉ có thể thực hiện hạn chế tại các vùng xa khu trung tâm.
Theo ông Ngọc, trong tương lai, Trung tâm phát triển quỹ đất sẽ đảm nhiệm việc đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi và đấu giá quyền sử dụng đất. Cơ chế doanh nghiệp tự thỏa thuận đền bù với nhiều khung giá cao thấp khác nhau sẽ hủy bỏ. Ông Ngọc cho rằng, giá đất Việt Nam cao ngất ngưỡng, gây bất ổn nền kinh tế do doanh nghiệp tự thỏa thuận đền bù không kiểm soát, đẩy giá đất lên cao. Vì thế, Bộ Tài nguyên Môi trường tính đến chuyện chỉ áp dụng một mức giá chung để giá đất trên thị trường tự động được điều chỉnh lại.
Bộ trưởng Tài Nguyên Môi trường, Phạm Khôi Nguyên, thừa nhận bài toán quy hoạch nói chung và quy hoạch sử dụng đất nói riêng chưa hiệu quả, đã gây ra nhiều bất ổn xã hội.
Trước hàng loạt những quy hoạch ra đời nhưng thiếu tính kết nối đã gây lãng phí lớn, ông Nguyên cho hay sẽ đưa tất cả những kiến nghị này vào dự thảo sửa đổi luật Đất đai để tìm hướng giải quyết.
Riêng những vướng mắc về giá đền bù, Bộ sẽ áp dụng đền bù một khung giá chung cho tất cả các hộ dân. Theo đó, Nhà nước sòng phẳng đưa ra mức giá sát thị trường và tính toán đến chuyện giải quyết hậu đền bù giải tỏa bằng việc xây dựng hạ tầng, xây khu tái định cư, tạo công ăn việc làm cho người mất đất...
Ông Nguyên cho biết thêm, sắp tới, Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ phân vùng quản lý đất đai đối với các cấp lãnh đạo. Theo đó, công tác thanh tra, trao đổi thông tin và bàn bạc sẽ được tăng cường nhiều hơn để sâu sát tình hình địa phương. Hiện nay, Tổng cục Đất đai đã được thành lập, sẽ là đơn vị trực tiếp trả lời chính thức các thắc mắc liên quan đến đất đai cho toàn dân.
Dự kiến trong tháng 7, Bộ Tài nguyên sẽ hoàn thành dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Đất đai trình Chính phủ, quy hoạch đất trồng lúa, trồng rừng và đất quốc phòng sẽ là tiêu chí hàng đầu trong quy hoạch.
Cuối năm 2010, Bộ sẽ hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong hai năm 2011-2012, Bộ sẽ xây dựng một bộ luật hoàn chỉnh về đất đai. Bảng giá đất toàn quốc cũng sẽ được điều chỉnh 5 năm một lần thay vì mỗi năm như trước đây. |
Vũ Lê