"Cha đẻ" của Dự thảo Luật Quy hoạch, Bộ KH&ĐT cho biết đã làm đầy đủ và hết trách nhiệm. Ngày 26/5/2017, tại phiên thảo luận Quốc hội, đã có không ít ý kiến ủng hộ đồng tình để Dự thảo luật sớm ra đời. Thế nhưng, vẫn còn đại biểu băn khoăn về tính khả thi của Dự thảo luật.
Theo ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng KH&ĐT, từng điều khoản của các Luật liên quan cần chỉnh sửa đã được Bộ giải trình. Tuy nhiên, sau khi lắng nghe, đại biểu băn khoăn rằng, nếu được thông qua thì các luật liên quan có kịp chỉnh sửa đến thời điểm Luật Quy hoạch có hiệu lực (1/1/2019). Ông Đông cho hay: “Cơ quan soạn thảo chúng tôi khẳng định có thể kịp thời gian. Còn ý kiến hoài nghi về điều này thì chúng tôi cần phải tôn trọng và giải trình thêm”.
Sẽ bỏ phiếu thông qua Luật quy hoạch ở kỳ họp Quốc hội tháng 10/2017.
(Ảnh minh họa, nguồn: Internet)
Trong khi đó, theo GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc đại biểu quốc hội lo ngại đảm bảo tính khả thi là rất đúng, Bộ KH&ĐT cần có giải pháp kỹ thuật kèm theo. Khoảng cách giữa 2 kỳ họp Quốc hội để ban soạn thảo luật sẽ chuẩn bị tốt hơn. Mặt khác, việc sửa các Luật liên quan tới Dự thảo Luật quy hoạch là dùng Luật mới sửa nhiều luật hay sửa từng điều khoản trong các Luật.
Dự thảo Luật Quy hoạch là một trong những luật hiếm hoi xây dựng đến 7 năm chưa xong, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ nhận định. Ban soạn thảo phải hoàn thiện Luật để nhận sự đồng thuận cao hơn của các đại biểu.
Ông Đặng Huy Đông cho biết, các ý kiến băn khoăn về khoản 3 điều 27, khoản 3 điều 28 liên quan đến chỉnh sửa các luật, pháp lệnh liên quan và bị tác động khi Dự án Luật Quy hoạch được ban hành. Do đó, Quốc hội đưa ra nghị quyết sẽ lấy phiếu biểu quyết Dự thảo luật này trong kỳ họp sau.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, trường hợp kỳ họp này Dự thảo Luật Quy hoạch được thông qua sẽ kịp cho lần xây dựng quy hoạch tổng thể giai đoạn 2021 - 2030. Do thời gian từ nay đến kỳ họp sau ngắn nên việc trì hoãn này không đáng quan ngại cũng như không gây ra hậu quả lớn. Bộ KH&ĐT sẽ ngồi lại với cơ quan như Ủy ban kinh tế của Quốc hội để viết từng điều khoản trong các luật liên quan cần phải sửa, làm căn cứ thuyết phục các đại biểu chưa đồng tình.
Đồng thời, việc triển khai quy hoạch mới, dự thảo Luật mới sẽ dựa trên những điểm cơ bản trong dự thảo Luật đã trình trong thời gian chờ Dự thảo Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua.
Theo một chuyên gia về quy hoạch, tuy Dự thảo Luật Quy hoạch đã được xây dựng trong 7 năm nhưng chưa đưa ra phương án thực hiện thuyết phục đại biểu Quốc hội, vì thế cần xem lại quy trình soạn thảo luật.