Nhìn lại thị trường bất động sản năm 2022, đánh giá chung của giới chuyên gia là thị trường bất động, khó khăn chồng chất. Sau thời điểm tăng nóng tại một số khu vực vào nửa đầu năm nay, thị trường bắt đầu chững lại, giao dịch sụt giảm mạnh. Các doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng vốn, thanh khoản hàng hóa chậm trễ. Theo đó, nhiều môi giới, nhà đầu tư cũng chuyển nghề.
|
Nhiều chuyên gia đặt niềm tin vào diễn biến tươi sáng của thị trường bất động sản năm 2023. Ảnh minh họa |
Tại Diễn đàn bất động sản 2022 với chủ đề Proptech - Xu hướng tất yếu của thị trường do Báo Thanh Niên tổ chức chiều qua, 13/12, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho hay, nguồn cung có xu hướng giảm rõ rết trong những năm 2018 - 2022, thị trường chủ yếu là sản phẩm cao cấp.
Tổng nguồn cung 9 tháng đầu năm 2022 đạt 41.886 sản phẩm, tương đương 24% so với năm 2018. Trong quý 3/2022, tỷ lệ hấp thụ đạt 33,5%, giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm. Lượng giao dịch giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ hấp thụ trung bình đạt 43%, quý 3 giảm mạnh so với quý 1 và 2, chỉ đạt 33,5%; lượng giao dịch giảm hơn 50% so với cùng kỳ.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, giá nhà đất bị đẩy lên quá cao, không phù hợp với nhu cầu của người dân. Áp lực tăng giá đầu vào từ vật liệu xây dựng, máy móc, trang thiết bị tới nhân chông, vốn, giá đất... và lạm phát tăng cao gây áp lực lên giá thành bất động sản. Trong các tháng cuối năm 2022 giá có giảm, tuy nhiên vẫn cao gấp nhiều lần so với năm 2018 và việc cắt lỗ chỉ đúng với nhà đầu tư ngắn hạn.
Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, có 2 kịch bản xảy ra đối với thị trường bất động sản năm 2023. Kịch bản thứ nhất: Sau tết Quý Mão, Chính phủ sẽ có một số chính sách điều chỉnh, theo đó thị trường sẽ dần ấm lên, ổn định đến cuối năm. Kịch bản 2: Thị trường bất động sản năm 2023 vẫn còn khó khăn do chưa được khơi thông về dòng vốn.
Ông Đính dự báo khả năng sẽ xảy ra theo kịch bản 1. Trong bối cảnh mới, doanh nghiệp địa ốc cần chủ động cơ cấu lại sản phẩm tại các dự án đang phát triển theo hướng phù hợp hơn với nhu cầu thị trường. Mặt khác, tập trung phát triển nhiều hơn các sản phẩm bất động sản có giá phù hợp tại các dự án mới. Thị trường khi đó sẽ lưu thông, thanh khoản tốt.
Bàn về thị trường bất động sản năm 2023, Phó Chủ tịch thường trực Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Chí Thanh cho hay: "Chúng ta đang tích cực phê duyệt các dự án mới, tuy nhiên tôi vẫn đánh giá nửa đầu của năm 2023 sẽ là giai đoạn bình ổn và là điểm sáng cho các dự án được thực hiện chuẩn chỉ".
Cùng quan điểm, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng, sự suy giảm thanh khoản gần đây phần nhiều là do tâm lý người mua bất động sản bị ảnh hưởng. Và điều này tác động đến dòng tiền có xu hướng chuyển về thế phòng thủ, lựa chọn an toàn hơn thay vì đầu tư.
Lực cầu chính là điểm sáng của thị trường. Thị trường vẫn có tiềm năng khi nhìn vào các chỉ số kinh tế như: GDP của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 7,5 - 8,2%, CPI từ 3,8 - 4,2%. Tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam còn thấp, nhu cầu nhà ở tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM lại cao. Bởi vậy, với những đô thị lớn tập trung đông dân, kinh tế được đẩy mạnh đầu tư, thị trường bất động sản vẫn có nhiều cơ hội.
Theo chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, TS. Cấn Văn Lực dự báo, khả năng cao là quý 3, quý 4 năm sau thị trường bất động sản sẽ phục hồi.
Ông Lực phân tích, lãi suất các ngân hàng trung ương vẫn sẽ tăng trong quý 1, quý 2/2023. Lãi suất cho vay của ngân hàng Việt Nam có thể tăng đến hết quý 2/2023. Trong khi đó, nhiều dự báo cho rằng, năm 2023 một số nước trên thế giới sẽ suy thoái trong ngắn hạn, chậm nhất là đầu năm 2024 kinh tế thế giới sẽ phục hồi. Thế nhưng, thị trường đi trước khoảng 1 quý hoặc vài tháng, nên sự phục hồi khả năng cao sẽ xuất hiện từ quý 3/2023.
Lam Giang (TH)
Link bài viết gốc
https://thanhnienviet.vn/2022/12/14/thi-truong-bat-dong-san-nam-2023-duoi-goc-nhin-chuyen-gia