SearchNews

Thiếu quy hoạch sau giải phóng mặt bằng tại các tuyến phố mới Hà Nội

19/12/2014 08:12

Các cấp chính quyền tại Hà Nội cho biết sẽ kiên quyết xử lý các công trình “siêu mỏng, siêu méo” để đảm bảo mỹ quan đô thị.

Thực tế, mỗi lần mở đường, Hà Nội không ngừng xuất hiện những công trình có hình thù kỳ quái khó chấp nhận. Việc đến khi nào Hà Nội có thể giải quyết triệt để nạn nhà mỏng, nhà méo là câu hỏi được dư luận quan tâm. 

TS Lê Thị Bích Thuận - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng nhận định, nhà “chạy” trước đường là câu chuyện "khổ lắm, nói mãi" nhưng vẫn cứ lặp đi lặp lại mỗi khi làm đường. Phương pháp xử lý chỉ xoay loanh quanh phần “ngọn” trong khi nhà “siêu mỏng, siêu méo” xây xong rất khó giải quyết.

vấn đề đô thị
Một ngôi nhà siêu mỏng trên đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy

Dọc các tuyến đường mới mở thuộc một số quận tại Hà Nội, sau giải phóng mặt bằng, những ngôi nhà “siêu méo, siêu mỏng” xuất hiện với tần số dày gây mất mỹ quan. Tại tuyến đường Vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Xuân La - Bưởi - Cầu Giấy dù vừa đưa vào sử dụng cách đây không lâu nhưng đã xuất hiện những ngôi nhà có hình thức méo mó, không đẹp mắt.

Ghi nhận tại hiện trường, đa số những căn nhà nói trên sử dụng toàn bộ diện tích ở tầng 1 để làm mặt bằng kinh doanh. Đến các tầng trên, chủ đầu tư làm dầm và bê tông kiên cố, lấn chiếm, cơi nới thêm một khoảng diện tích tương đối lớn ra ngoài khoảng không của công trình, mất an toàn. Hơn nữa, các công trình đang xây dựng dang dở còn được chủ nhà còn đôn đốc thợ gấp rút thực hiện để hoàn công việc xây dựng nhanh nhất để "coi như việc đã rồi", hòa cả làng.

Tại hai bên tuyến mương ngõ 139 Khương Thượng, Đống Đa - Hà Nội, nhà “siêu mỏng, siêu méo” đang được "mọc" lên bất chấp sự vào cuộc của các nhà quản lý. Dự án cống hóa kênh mương Y cụ - Y khoa thuộc Dự án cải tạo kênh mương thoát nước giai đoạn 2 sử dụng nguồn vốn ưu đãi của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA do Ban quản lý dự án Thoát nước thuộc Sở Xây dựng phụ trách từ năm 2012.

TS Đào Ngọc Nghiêm - Nguyên kiến trúc sư trưởng TP. Hà Nội cho biết, Luật Thủ đô có hiệu lực từ tháng 7/2013 đã tạo cho Hà Nội cơ chế nhất là khi mở đường phải đồng thời nghiên cứu hai bên tuyến đường đó. Tùy theo khu vực cụ thể có thể lấy từ chỉ giới đỏ vào thêm 50 hoặc 100m. Khi giải phóng mặt bằng, ngoài giải phóng trong ranh giới tuyến đường thì giải phóng cả không gian hai bên tuyến đường để đảm bảo xây dựng cũng quan trọng.

Luật đã giao quyền cho HĐND phê duyệt từng trường hợp cụ thể để UBND ra quyết định thực hiện. Điều này là cơ chế đặc thù, tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho Hà Nội.

TS. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, mở đường đã xác định chỉ giới thì việc phát hiện những mảnh đất mỏng, méo sẽ thuận lợi. Giải quyết vấn đề nhà “siêu mỏng, siêu méo” khi đã xây dựng kiên cố, người dân đã ổn định mưu sinh sẽ khó khăn. Hơn nữa, sau khi giải phóng mặt bằng, giá trị đất mặt phố tăng lên chóng mặt. Phương pháp xử lý hiện trạng trên chỉ khơi khơi phía trên trong khi cốt lõi vấn đề là ở quy hoạch sau giải phóng mặt bằng lại chưa có.

KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, nhiều kiến trúc phụ đang ảnh hưởng đến toàn bộ tuyến phố. Các nhà làm công tác quy hoạch không thể chỉ chú trọng việc mở đường mà phải quan tâm tới quy hoạch hai bên đường. Đó là quy hoạch cảnh quan, cụ thể diện tích nhà thế nào, mặt tiền ra sao...

TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam phân tích, làm con đường không chỉ để đi mà còn làm đường phố đẹp, khang trang cho cả đô thị. Những con đường mới mở có lợi cho cả TP nhưng lợi ích của từng hộ dân ở đó lại hoàn toàn khác nhau. Việc các hộ chỉ còn khoảng 1 - 2m2 đất cũng dứt khoát không bán hoặc bán với giá rất cao để nhà ở đằng sau không thể mua được vẫn diễn ra phổ biến.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu