Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và các khu công nghiệp có đến 21 dự án chậm tiến độ với diện tích đất đăng ký 639,2 ha; 15 dự án ngừng hoạt động với diện tích đất đăng ký 49 ha. Trong đó, có những dự án được cấp phép đầu tư từ trước năm 2010 với diện tích sử dụng đất đăng ký rất lớn nhưng hiện vẫn chậm triển khai hoặc không triển khai so với cam kết.
Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có nhiều dự án chậm tiến độ và bỏ hoang.
(Ảnh: Internet)
Cụ thể, tại khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, có 7 dự án đăng ký sử dụng đất với diện tích 435,2 ha song mới chỉ triển khai (các thủ tục) 31,2 ha. Dự án khu nghỉ dưỡng sân golf Lăng Cô của CTCP Đầu tư Phát triển Phong Phú Lăng Cô đăng ký sử dụng 292 ha đất đã được gia hạn nhiều lần và cam kết đi vào hoạt động trong tháng 7/2016, song đến nay chủ dự án vẫn chưa triển khai bất kỳ hạng mục xây dựng nào.
Bên cạnh đó, dự án khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối (dưới chân núi Hải Vân) của Công ty TNHH MTV Bãi Chuối (Việt Nam) đăng ký sử dụng đất 100 ha đã chậm khởi công 74 tháng so với cam kết; hay như khu công nghiệp Phú Bài có 7 dự án chậm tiến độ với diện tích đất đăng ký là 145 ha.
Khu công nghiệp Phong Điền có 5 dự án chậm tiến độ với diện tích đất đăng ký 8,8 ha; Khu công nghiệp La Sơn có 2 dự án chậm tiến độ với diện tích đất đăng ký 80,2 ha.
Trong khi đó, dự án quần thể sân golf - làng du lịch sinh thái phong cảnh Việt Nam đăng ký tổng diện tích quy hoạch 439,3 ha, nay mới chỉ quy hoạch chi tiết 75,7 ha để đưa vào sử dụng. Do không thể tách thửa để sang nhượng đất, không ít hộ dân trong vùng quy hoạch treo này sống trong cảnh "khốn khổ".
Ngoài ra, không ít dự án ở các khu “đất vàng” tại TP Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà… vẫn chưa thực hiện hoặc chậm đưa vào sử dụng theo cam kết, gây bức xúc trong dân, làm mất mỹ quan đô thị.
Ví dụ, dự án khách sạn Đông Dương tại số 2 Hùng Vương, TP. Huế; dự án công trình dịch vụ du lịch, văn phòng, căn hộ cao cấp tại khu đất số 14, 16, 18 và 20 Lý Thường Kiệt, TP Huế và dự án tòa nhà VNPT (khu đất cửa hàng số 1 cũ).
Đoàn giám sát HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, trong các năm trước đây, chính quyền tỉnh chú trọng kêu gọi đầu tư với kỳ vọng thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực nhưng lại chưa quan tâm việc rà soát các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật về đất đai.
Theo các cử tri tỉnh Thừa Thiên - Huế, có quá nhiều dự án chậm tiến độ và bỏ hoang ảnh hưởng tới bộ mặt TP Huế. Tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định sẽ thu hồi những dự án “đất vàng” chậm triển khai hoặc không triển khai để giải quyết thực trạng nêu trên.