SearchNews

TP HCM đang bị lún cục bộ

11/12/2006 08:29

Tại một số khu vực dân cư ở quận 6, 11, Thủ Đức, Bình Tân, Bình Chánh... đã xuất hiện hiện tượng lún trồi ống giếng khoan, một số nhà dân bị nứt tường. Tuy nhiên, nguyên nhân của vấn đề này vẫn là một dấu hỏi.

Tại một số khu vực dân cư ở quận 6, 11, Thủ Đức, Bình Tân, Bình Chánh... đã xuất hiện hiện tượng lún trồi ống giếng khoan, một số nhà dân bị nứt tường. Tuy nhiên, nguyên nhân của vấn đề này vẫn là một dấu hỏi.

Ông Trần Văn Lã, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học Sản xuất Địa chất Môi trường miền Nam cho biết, tại các quận 6, 11, 12, Bình Tân và huyện Bình Chánh đã phát hiện hiện tượng sụt lún đất cục bộ xung quanh các giếng khoan. Nặng nhất là quận 6, ống chống giếng khoan trồi cao 5-20 cm, quận Bình Tân là 14 cm, Thị trấn An Lạc (Bình Chánh) 12 cm, khu vực phường 10 quận 6 từ 5 đến 20 cm.
Cá biệt, tại khu vực phường 11, quận 6 cũng đã phát hiện thêm, bậc thềm nhà người dân lún 20 cm và tốc độ sụt lún 10 cm trong vòng 7 tháng. Gần đây nhất là nhiều người dân tại khu phố 4 phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức đang phải sống trong tâm trạng hoang mang bởi nền đất bị lún đột ngột làm nứt tường nhà.

Phân tích sơ bộ kết quả kiểm tra hiện tượng trên, ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết, việc lún gây nứt tường ở những nhà dân tại khu phố 4 là do nằm gần 2 giếng khoan nước ngầm của Trung tâm nước và vệ sinh môi trường nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Còn tại các khu vực khác thì chủ yếu lún cục bộ, quanh ống giếng khoan. Một phần rất ít bị lún ngay chân tường, bậc thềm nhà dân. Như vậy, có thể nói rằng việc khai thác nước ngầm trong một thời gian dài nhưng chưa chú ý đến khối lượng khai thác hợp lý là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến các tầng đất bị rỗng gây hiện tượng sụp nền đất.

“Tuy nhiên, không ngoại trừ nguyên nhân lún là do người dân xây cất nhà mà chưa biết rằng nền đất khu vực phía Nam thành phố rất yếu”, TS Nguyễn Bá Hoằng, Liên đoàn Địa chất Thủy văn Địa chất công trình miền Nam khẳng định. Hiện tượng sụt lún đất một phần là do việc đắp đôn cao nền để xây dựng các công trình, nhà ở đã làm gia tăng đáng kể tải trọng lên mặt đất, gây lún mạnh...

Điều này hoàn toàn phù hợp kết quả phân tích kết cấu địa tầng tại các khu vực đang bị lún. Ông Trần Văn Lã, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Sản xuất Địa chất Môi trường miền Nam nhấn mạnh, đa phần các điểm lún chủ yếu diễn ra tại khu vực phía Nam thành phố, trong vùng đồng bằng của sông Mekong.

Đặc điểm của loại nền đất này thường có nhiều tầng chứa nước nằm chồng lên nhau. Nếu nước dưới đất được khai thác quy mô lớn làm cho các lớp đất cố kết yếu, rất dễ bị lún khi gia tăng trọng tải do phát triển cơ sở hạ tầng phía trên mặt đất hoặc giảm áp lực do khai thác nước dưới đất…

Trên thực tế, việc quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng thời gian qua tại khu vực trên chưa thực sự tính đến yếu tố này. Các công trình cao tầng mọc lên nhanh chóng và họ chỉ chú trọng vào việc gia cố công trình một cách chắc chắn mà không tính đến việc nếu có quá nhiều tòa nhà cao tầng tại khu vực nền đất yếu phía Nam sẽ làm gia tăng tải trọng lên bề mặt đất, gây nên hiện tượng lún trên diện rộng. Và tình trạng các quận tại những khu vực này thường xuyên bị ngập sâu mỗi khi có mưa hoặc thủy triều trong những năm gần đây là do địa tầng đang lún.

Cần giải pháp đồng bộ

Ông Trần Thế Ngọc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc lún đất chắc chắn sẽ gây nên những tác hại khôn lường như: gia tăng ngập lụt, hư hỏng công trình ngầm và các cơ sở hạ tầng khác như nhà cửa, hệ thống thoát nước, hệ thống giao thông… Nghiêm trọng hơn, tình trạng xâm nhập mặn sẽ gia tăng nhanh chóng vì khu vực phía Nam TP HCM chỉ hơn mực nước biển khoảng 0,3 m đến 2 m.

Trên thực tế, tại khu vực Tân Bình, Tân Phú diện tích nước ngọt đang bị xâm mặn đáng kể. Còn tại các quận như quận 5, 11, 6, Bình Tân… mỗi khi mưa to hay thủy triều, độ ngập cũng sâu hơn trước nhiều, cá biệt có nơi ngập tới 1 m. Trước tình hình đó, Sở đã một mặt đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc lún, mặt khác xây dựng lộ trình hạn chế khai thác nước ngầm. Nhưng cho đến nay gần 1 năm, lộ trình trên vẫn chưa hoàn thiện.

Lý giải nguyên nhân này, ông Ngọc bức xúc nói, chúng tôi nhiều lần liên hệ Công ty Cấp nước TP để xin bảng đồ hệ thống cấp nước trên địa bàn thành phố để theo đó sẽ cấm khai thác nước ngầm ở những khu vực được cấp nước hoàn toàn; cho khai thác một phần tại những khu vực có hệ thống cấp nước nhưng còn thiếu hoặc yếu.

Nhưng cho đến nay bảng đồ cấp nước vẫn chưa được đơn vị trên hoàn tất. Ngay cả khi nhận được bảng lộ trình cấp nước, chúng tôi cử nhân viên đi thẩm định lại thì có những khu vực ghi là đã có hệ thống cấp nước đến nơi nhưng trên thực tế người dân vẫn đang phải sử dụng nước ngầm. Riêng vấn đề hạn chế phát triển tòa nhà cao tầng tại khu vực phía Nam thành phố, sở đã nhiều lần kiến nghị lên cơ quan chức năng liên quan nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được phúc đáp.

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm, trong khi chờ ban hành quy định lộ trình khai thác nước ngần, sở sẽ áp dụng một số biện pháp tạm thời như hạn chế cấp phép khai thác nước ngầm cho các đơn vị có khối lượng 100 m3/ngày đêm trở lên; gấp rút hoàn thiện dự án “Xây dựng mạng quan trắc lún đất do khai thác nước ngầm trên địa bàn thành phố”; lập danh sách một số ngành, lĩnh vực ưu tiên khai thác hoặc cấm khai thác nước ngầm.

Riêng trường hợp khu phố 4, phường Hiệp Bình Phước, sở đã cho đóng cửa việc khai thác giếng khoan. Công ty cấp nước chở xe nước bồn để cung cấp nước sinh hoạt tạm thời cho người dân trong khu vực trên. Sở Xây dựng sẽ kiểm tra, xác định nguyên nhân lún.

Tuy nhiên, để giải quyết bài toán lún cho TP HCM cần phải có sự góp tay, chung sức của nhiều cơ quan chức năng cùng thực hiện, với nhiều giải pháp đồng bộ từ quy hoạch, cấp nước, hạn chế khai thác nước, thu thuế tài nguyên nước… mới mong hạn chế tình trạng lún đất mặt đang diễn ra trên địa bàn thành phố.

(Theo SGGP)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu