Theo đó kiến nghị của UBND Tp.HCM, đường Vành đai 2 có chiều dài khoảng 70km, bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh huyện Bình Chánh qua cầu Phú Mỹ quận 7, tiếp tục ra ngã tư Bình Thái quận 9 nối vào nút giao Gò Dưa quận Thủ Đức. Điểm cuối của đường Vành đai 2 ra Quốc lộ 1A rồi chạy vòng về Nguyễn Văn Linh tạo thành tuyến đường vòng quanh TP.HCM.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, đường Vành đai 2 vẫn chưa khép kín hoàn toàn, với 8km ở phía quận 9, quận Thủ Đức và 6km ở phía quận 8, huyện Bình Chánh, tổng chiều dài 14km. Hơn nữa, nhiều đoạn còn chưa giải phóng mặt bằng và đang kêu gọi đầu tư.
Đoạn ở Thủ Đức và quận 9 kéo dài từ nút giao Bình Thái, quận 9 đến ngã ba đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức với số vốn khoảng 1.505 tỉ đồng. Đoạn 3 từ nút giao thông An Lập-Nguyễn Văn Linh huyện Bình Chánh có tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỉ đồng.
Tp.HCM cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm thông qua đề án kiểm tra khí thải xe máy theo lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175cm3 trở lên trong giai đoạn từ năm 2018-2020.
Sau năm 2020, TP sẽ kiểm tra đánh giá và báo cáo Thủ tướng làm cơ sở triển khai giai đoạn tiếp theo với xe mô tô có dung tích nhỏ hơn 175cm3. Tp.HCM mong muốn những giải pháp trên sẽ góp phần nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu, từ đó giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
Bên cạnh đó, UBND Tp.HCM đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh bổ sung quy hoạch giao thông thủy tại khu vực cảng Cát Lái cho phù hợp quy hoạch chung đến năm 2020. Ngoài ra, sớm ban hành tiêu chuẩn đối với việc đầu tư xây dựng, phát triển Trung tâm điều khiển giao thông thông minh áp dụng thống nhất trên cả nước.
Cùng với đó, Tp.HCM cũng chỉ đạo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam nghiên cứu các giải pháp tổng thể kết nối giao thông khu vực Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; điều chỉnh giảm thời gian cất hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào giờ cao điểm, đồng thời tăng cường số chuyến bay đêm, tránh tập trung cất hạ cánh vào giờ cao điểm.